MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cổ động viên đồng hành cùng ĐT Việt Nam tại sân Thammasat hôm 5.9. Ảnh: Đ.H

Chuyện tấm vé vào sân Mỹ Đình

ĐĂNG HUỲNH LDO | 03/10/2019 06:46

Vé xem trận Việt Nam - Malaysia ở vòng loại World Cup 2022 tiếp tục tạo ra một “cơn sốt” khi nhu cầu vượt quá lượng cung. Đã đến lúc, chính các cổ động viên “ruột” của Đội tuyển Việt Nam cần tạo ra cơ chế cho “tình yêu” của mình.

Từ tấm vé đến tình yêu

Theo chân Hội cổ động viên VFS đến sân Thammasat theo dõi trận Việt Nam - Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022 sẽ thấy được những câu chuyện cổ vũ bóng đá thú vị.

Đấy là trận đấu nhận được rất nhiều sự chú ý của khán giả Việt Nam. Chính vì vậy mà cơn sốt vé của trận đấu trên sân khách xuất hiện. Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT) chỉ bán cho cổ động viên Việt Nam chưa đến 2.000 vé và bán hết sau chưa đầy 5 phút, còn sức chứa của sân Thammasat là 2,5 vạn.

Với mỗi cổ động viên sang Thái Lan “tiếp lửa” cho thầy trò HLV Park Hang-seo, họ không chỉ khó khăn trong việc bỏ tiền mua vé mà còn phải bỏ ra chi phí đi lại, ăn ở khá lớn. Nếu chỉ là người lao động bình thường, không phải ai cũng có điều kiện tham gia những chuyến đi như vậy. Tất nhiên, để tổ chức được chuyến đi như vậy, Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam VFS cũng kêu gọi cả các đơn vị tài trợ để gánh một phần chi phí. Và để được tham dự các chuyến đi có hỗ trợ ấy, cổ động viên cũng phải là thành viên “ruột”, thường xuyên tham gia các hoạt động cũng như luôn có mặt ở các trận đấu của đội tuyển cả giao hữu lẫn chính thức.

Anh Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) - một cổ động viên - trong 2 năm vừa qua, gần như đã theo Đội tuyển Quốc gia U.23 ở tất cả các giải đấu sau chuyến đi Thái Lan cũng lo lắng, việc nhu cầu vé lên cao có thể sẽ khiến cho việc phân phối vé của chính hội cổ động viên cũng không thể đáp ứng hết được nhu cầu. Bản thân anh cũng bỏ ngỏ việc có mua vé theo hội được không vì số lượng có hạn.

Thực tế, VFF đã triển khai bán vé online trận Việt Nam gặp Malaysia trên sân Mỹ Đình tại vòng loại World Cup 2022 và chỉ trong 1 ngày (với 3 phiên mở bán công khai: 10h00, 15h00, 22h00 ngày 19.9.2019) vé đã được bán hết. Sân Mỹ Đình có sức chưa hơn 40.000 chỗ, trong khi đó số vé phát hành là 35.000. Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, tổng số lượng vé bán online là 2/3 tổng số vé phát hành. Như vậy, số vé bán online sẽ rơi vào khoảng hơn 23.000 vé, bao gồm cả vé dành cho cổ động viên Malaysia.

Cổ động viên “ruột” cần được tạo cơ chế

“Cơn sốt” vé đã khiến cho nhiều người tỏ ra bức xúc trên các diễn đàn khi hội cổ động viên không nhận được quan tâm, ưu tiên. Tuy nhiên, rất khó để phân loại được các cổ động viên thực trung thành với đội tuyển.

Trong nhiều lần đối diện với những “cơn sốt vé”, VFF từng có ý tưởng sẽ áp dụng thẻ thành viên cho các cổ động viên, căn cứ vào đó để phân loại, có chính sách ưu tiên bán vé với những trường hợp luôn đồng hành cùng đội tuyển ở cả các giải giao hữu và chính thức. Thế nhưng để thực hiện được việc này thì cần có cả một hệ thống đồng bộ.

Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Việc các cổ động viên luôn theo sát đồng hành cùng các Đội tuyển Việt Nam là điều rất đáng quý và là sự cổ vũ quan trọng với các đội. Chúng tôi luôn cố gắng để cổ động viên có thể theo sát các đội tuyển quốc gia, đặc biệt khi các đội tuyển thi đấu trên sân nhà.

Đại diện các hội cổ động viên có thể đăng ký mua vé theo năm, với số lượng vé cố định (không phân biệt trận đấu nào) đối với các trận đấu của các đội tuyển quốc gia, trên cơ sở đó VFF sẵn sàng và cam kết giữ vé. Số lượng vé sẽ căn cứ theo công suất của địa điểm thi đấu, điều kiện tổ chức và khả năng đáp ứng của sân đó”.

VFF đã triển khai bán vé qua ứng dụng VinID nhằm mang tới dịch vụ tiện ích. Thực tế, chuyện mua vé qua kênh này đã giảm đi được cảnh chen chúc, gây ra sự phản cảm. Thế nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận với một thực tế, khi nhu cầu vé lên cao, không thể tránh khỏi “cơn sốt”. Vì thế mà những người có nhu cầu về vé trong bối cảnh hiện tại chỉ còn kênh duy nhất là “chợ đen”...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn