MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một buổi tập của vận động viên đội tuyển thể dục dụng cụ thời điểm chuẩn bị cho SEA Games 31. Ảnh: Sơn Minh

Chuyện trích phần trăm tiền thưởng đã có từ lâu, các vận động viên tự thống nhất với nhau

AN NGUYÊN - HOÀNG HUÊ LDO | 17/01/2024 11:11

Một cựu vận động viên thể dục dụng cụ chia sẻ với Lao Động, việc trích phần trăm tiền thưởng cho huấn luyện viên đã có từ nhiều năm và các vận động viên tự thống nhất với nhau.

Những ngày qua, sự việc vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương lên tiếng tố cáo huấn luyện viên N.T.D thu tiền thưởng huy chương khiến nhiều người bức xúc.

Cụ thể, từ năm 2017, với mỗi tấm huy chương giành được (sau khi trừ 10% thuế thu nhập cá nhân), Như Phương phải phải nộp lại 10% tiền thưởng cho huấn luyện viên T.D.

Thậm chí, thời điểm giành 4 tấm huy chương vàng ở giải vô địch quốc gia 2023, cô phải chuyển tiền huy chương và tiền thưởng nóng cho huấn luyện viên của mình với tỉ lệ 50%-50%. Trong khi đó, trước kia, mức chia này giữa vận động viên và huấn luyện viên là 70%-30%.

Ngoài Phạm Như Phương, hai vận động viên khác là N.L.Q và L.T.A cũng lên tiếng xác nhận thông tin tương tự, tức là việc huấn luyện viên thu tiền thưởng của vận động viên đã xảy ra trong nhiều năm qua.

Trước vụ việc này, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với một cựu vận động viên thể dục dụng cụ Q.H (tên nhân vật đã được thay đổi) để tìm hiểu thêm thông tin.

Cựu vận động viên này cho biết: "Thực chất, việc trích phần trăm tiền thưởng cho huấn luyện viên sau khi giành huy chương đã có từ lâu. Mọi người tự thống nhất với nhau chứ không có điều luật quy định nào hết.

Khi tôi còn thi đấu, mỗi huy chương vàng toàn quốc sẽ được nhận thưởng khoảng từ 2-6 triệu đồng. Còn huy chương vàng SEA Games thì rơi vào khoảng 5-15 triệu đồng.

Các huấn luyện viên cũng sẽ được nhận tiền và thưởng khi có vận động viên giành thành tích. Nhưng chúng tôi vẫn thống nhất gửi lại thêm 10% tiền thưởng cho bộ môn.

Số tiền trích ra, chúng tôi đưa trực tiếp cho huấn luyện viên của mình để chia lại cho bộ môn, dùng vào những khoản ngoài lề nhưng chưa từng có kê khai hay thông tin chính xác là đã dùng số tiền đó vào những khoản nào, cho ai".

Cựu vận động viên này nói thêm, hiện nay, có thể số tiền mà các vận động viên nhận được (nếu có thành tích) đã cao hơn, tính ra 10% kia lại là một con số khá đáng kể. Do vậy, việc các vận động viên nói ra sự thật là điều hợp lí khi họ thấy không có sự minh bạch về tài chính.

Ngoài việc phải nộp tiền thưởng huy chương, Như Phương và một số vận động viên còn phải nộp từ 300.000-500.000 đồng vào quỹ "không tên", tức là không có chứng từ và biên nhận thu tiền, không biết được sử dụng vào những việc gì.

Về vấn đề này, cựu vận động viên Q.H cho hay: "Về vấn đề tiền quỹ, trước kia chúng tôi cũng phải nộp quỹ một vài trăm nghìn (không nhớ chính xác) để lo nước uống khi tập luyện, hỏng hóc cơ sở vật chất, điều hoà,… Hay khi đi thi đấu, sẽ cần có kinh phí nhỏ, ăn uống ngoài lề. Mục đích đóng quỹ là như thế nên chúng tôi cũng đóng cùng nhau.

Cái này không thể để một mình huấn luyện viên chi trả được, vì lương thưởng của huấn luyện viên cũng không nhiều.

Nhưng với tôi, dù quỹ hay tiền lương thưởng, cần có sự minh bạch, rõ ràng, kê khai một cách chính xác đã dùng vào việc gì, chi tiêu như thế nào,… để các vận động viên cảm thấy an tâm và bằng lòng khi bỏ tiền ra như vậy.

Với trường hợp của Như Phương đã nêu, chắc chắn các huấn luyện viên được nêu đích danh cần phải có sự giải trình chính xác để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân một".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn