MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải VĐQG nữ diễn ra trong sự thờ ơ và vắng lạnh. Ảnh: Đ.T

Chuyện từ Giải bóng đá nữ VĐQG Cúp Thái Sơn Bắc 2017: Nỗi buồn không tên

ĐÌNH THẢO LDO | 16/05/2017 08:00
Chưa đầy 24 giờ sau khi các khán đài sân Thống Nhất được lấp đầy khán giả trong trận giao hữu giữa U20 Việt Nam và U20 Argentina, đến lễ khai mạc giải bóng đá nữ VĐQG 2017, sân Thống Nhất chỉ lọt thỏm khoảng trăm người, tính cả lực lượng làm nhiệm vụ và cầu thủ. Một cảnh tượng “buồn đến nao lòng” nhưng không quá lạ lẫm ở bóng đá nữ nhiều năm qua.
Những khán đài trống vắng

Nếu như ở sân chơi V.League lượng khán giả còn có phần “biến thiên”, tùy vào từng trận đấu được đánh giá là có chất lượng chuyên môn cao hay cuộc đối đầu giữa những cái tên, thì ở giải bóng đá nữ VĐQG lại khác. Cảnh tượng dễ dàng bắt gặp nhất là những khán đài trống vắng và bầu không khí đìu hiu mỗi khi giải đấu khởi tranh.

Mặc dù Ban tổ chức đã cho mở cửa sân miễn phí để khán giả có thể đến sân cổ vũ cho các đội bóng thi đấu, nhưng điều này cũng không đủ để thu hút người hâm mộ đến sân. Nếu tính cả khán giả, cầu thủ, lực lượng làm nhiệm vụ… và cả phóng viên đến tác nghiệp thì mỗi trận đấu của giải nữ tại Thống Nhất chỉ đón khoảng 200-300 người ngồi rải rác trên 4 khán đài. Một hình ảnh khiến các cầu thủ nữ luôn cảm thấy chạnh lòng mỗi khi thi đấu. Và không phải chỉ đến năm nay giải VĐQG mới vắng lạnh, mà đây là hình ảnh quen thuộc.

“Tôi chơi bóng đến nay cũng đã gần 10 năm rồi. Suốt quãng thời gian đó thì năm nào các khán đài cũng vắng tanh, thành ra bọn tôi cũng đã quen với không khí đìu hiu mỗi khi thi đấu rồi. Theo tôi, một phần do thói quen xem bóng đá của khán giả và sự quan tâm thực sự chỉ dành cho bóng đá nam. Trừ khi ĐTQG thi đấu trận quan trọng hay chiến thắng, bóng đá nữ và các giải của nữ mới nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, người hâm mộ” - Quả bóng vàng nữ 2016 - Huỳnh Như tâm sự đầy cảm xúc.

Giải đấu rồi sẽ “đi đâu, về đâu?”

“Bây giờ là trách nhiệm nên chúng tôi phải tài trợ để giải đấu được diễn ra một cách thường niên. Chứ nếu không làm, không tài trợ, thì không biết giải đấu sẽ đi về đâu nữa…” - rất thẳng thắn, ông Trần Anh Tú chia sẻ về “nỗi khổ” của một người gắn bó với bóng đá nữ cũng như thực trạng của bóng đá nữ Việt Nam với giải VĐQG, với tư cách của nhà tài trợ chính Thái Sơn Bắc, khi mùa này tiếp tục gắn tên với giải.

Những lời của ông Tú là sự thật. Nó cho thấy sự trách nhiệm mà cũng là gánh nặng của một người làm, đầu tư vào bóng đá. Và nếu chỉ dựa mãi vào nhà tài trợ Thái Sơn Bắc thì giải đấu sẽ thế nào khi mà nhà tài trợ này không còn mặn mà và không còn gánh “trách nhiệm” nữa. Bởi xét về phương diện tài trợ để quảng bá thương hiệu, rõ ràng với một giải đấu diễn ra trong sự thờ ơ và chỉ vài đội thi đấu với nhau, hiệu quả là không có.

Ai cũng biết ĐT nữ Việt Nam ở các sân chơi khu vực luôn mang về vinh quang cũng như niềm cảm hứng cho khán giả bóng đá nước nhà, nhất là khi đặt cạnh bóng đá nam và những thất bại gây thất vọng của ĐTQG, U23 Việt Nam. Có được những thành công đó, giải VĐQG luôn được xem là bệ phóng để các nhà chuyên môn tuyển chọn ra những VĐV tài năng, những cầu thủ có chất lượng chuyên môn tốt bổ sung vào thành phần ĐT nữ. Thế nhưng chất lượng của giải nữ vẫn không đủ để kéo khán giả đến sân.

“Nếu là ĐT nữ quốc gia đá thì phần nào được quan tâm nhiều hơn, nhưng ở cấp độ CLB thì lâu nay bóng đá nữ bị thờ ơ. Mỗi khi các cô gái đạt được những thành tích ở những giải đấu khu vực hay quốc tế thì thường xuất hiện rất đông những khẩu hiệu, những hô hào, kêu gọi cần quan tâm hơn đến bóng đá nữ. Nhưng đó chỉ là những lời nói chứ thật sự không ai biến thành hiện thực hay hành động cả. Đó cũng là điều mà tôi cũng như nhà tài trợ luôn trăn trở, khi quyết định tài trợ để giải được diễn ra thường niên” - ông Trần Anh Tú nói.

“Việc khán giả ít cũng một phần là do địa phương đăng cai tổ chức. Như ở TPHCM dù có đến 2 đội tham dự nhưng khán giả cũng không mấy mặn mà với giải đấu. Nếu như tổ chức ở Hà Nam hay một địa phương nào đó thì khán giả, sự quan tâm và gần gũi với giải đấu có phần được cải thiện hơn, nhưng nếu duy trì tổ chức ở đây mãi cũng không hợp lý”.

“Đông tay vỗ nên kêu” - ông Trần Anh Tú hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những sự quan tâm và chia sẻ trách nhiệm để chung tay cùng với sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam, để cho giải quốc nội ngày càng thu hút được sự quan tâm của dư luận, chất lượng chuyên môn ngày càng nâng cao thì mới mong nâng tầm ở sân chơi khu vực và quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn