MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện về huấn luyện viên đội tuyển Judo từng bảo vệ tiền ăn cho vận động viên

Thanh Mai LDO | 06/10/2023 09:54

Trong hồi ký “Về chốn bình yên” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), võ sư Lê Thanh Vĩnh - cựu huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Judo Việt Nam, từng dẫn đội tham dự SEA Games 22 đã hé lộ góc khuất trong làng thể thao, trong đó có câu chuyện bảo vệ tiền ăn cho vận động viên.

Trước đợt tập huấn của đội tuyển Judo Việt Nam đến Liêu Ninh (Trung Quốc) chuẩn bị cho SEA Games 22, ông Lê Thanh Vĩnh được gọi đến đặt vấn đề về tiền bạc. “Gần ngày đi, sếp Judo ở Ủy ban Thể dục thể thao lại đặt ra với tôi vấn đề tiền bạc rất nan giải…. Sếp bắt tôi lấy kinh phí đi tập huấn của các vận động viên để chi ngoài mục đích”, ông Vĩnh viết trong hồi ký.

Võ sư Lê Thanh Vĩnh từng. Ảnh: Thanh Mai

Ông Vĩnh suy nghĩ thành tích do các vận động viên tích cực luyện tập và thi đấu mới có được. Nếu không bảo vệ được số tiền bạc ăn uống của học trò mình thì "tinh thần đâu các em luyện tập, sức lực đâu các em thi đấu". Nếu thi đấu thất bại, chính ông là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Vì những lẽ đó, ông Vĩnh đã mạnh dạn “nói không” với sếp. Trước đó, cũng vì những lùm xùm kiểu này, ông đã bị sạch túi.

Số là đầu tháng 8.2002, TPHCM tổ chức Giải Judo quốc tế và Giải Vô địch Judo Đông Nam Á tranh Cúp Truyền hình TPHCM, ông cùng Ban huấn luyện dìu dắt 2 đội dự tuyển Judo quốc gia tham gia thi đấu và đạt tổng cộng 10 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 11 huy chương đồng. Ban huấn luyện người nào cũng được thưởng gần 17 triệu đồng.

Ông Vĩnh chia sẻ: "Tôi không còn đồng nào, lại phải chạy mượn 15 triệu đồng để chung chi thêm vào chuyện do sếp yêu cầu. Tôi phải cắn răng chịu đựng để lo hoàn thành chuyên môn”.

Võ sư Lê Thanh Vĩnh trong giờ huấn luyện cho vận động viên Nguyễn Thị Như Ý. Ảnh: Thanh Mai

Lời từ chối của ông Vĩnh trước đợt tập huấn ở Liêu Ninh (Trung Quốc) đã bảo vệ được chế độ tiền cho các học trò, nhưng lại khiến ông và cả đội tuyển Judo quốc gia  sau đó chịu nhiều phiền toái đến mức… vô lý. “Do thời gian tập huấn tại Trung Quốc kéo dài 3 tháng, tôi xin 1 thông dịch, nhưng sếp quay mặt làm ngơ, nói: "Việc này thầy tự lo lấy", ông Vĩnh viết.

Để “chữa cháy” phút 89, ông đành mua từ điển rồi tự mày mò để có thể trao đổi trong quá trình tập huấn. Nhưng khốn đốn nhất là khi kết thúc thời gian tập huấn. Do đang thời điểm dịch SARS, phi trường Bắc Kinh đóng cửa. Không có chuyến bay, cả đội phải ở lại ngoài kế hoạch.

“Tiền ăn, ở đã hết, ngày nào tôi cũng điện thoại về nước báo với sếp và xin chuyển tiền qua để mua vé bay theo tuyến Liêu Ninh - Seoul - Hà Nội. Sếp nói: "Không có tiền để đưa đội về theo lịch bay đó. Thầy hãy tự lo lấy cho đội”, ông Vĩnh viết.

Hồi ký “Về chốn bình yên” của võ sư Lê Thanh Vĩnh. Ảnh: Thanh Mai

Để có tiền cho đội ăn và ở, ông Vĩnh phải lấy tư cách huấn luyện viên trưởng đội tuyển Judo Việt Nam để viết giấy nợ và nhờ vị chuyên gia người Trung Quốc kết nối để mượn 20.000 tệ. Sau khi thanh toán xong tiền nợ, ông Vĩnh đưa học trò về nước bằng đường xe lửa. Sau hành trình 2 ngày 1 đêm, đoàn tới Quảng Đông, ông tiếp tục mượn tiền để thuê xe đưa cả đội về Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn.

Sau đó, ông Vĩnh tiếp tục chịu đựng nhiều phiền toái khác. Vì thế, sau khi đưa đội tuyển Judo Việt Nam lập kỳ tích khi lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên đứng đầu khu vực với 6 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 6 huy chương đồng (tại SEA Games 22) và dù còn rất nhiều tâm huyết với Judo, nhưng ông Vĩnh đã nộp đơn xin thôi nhiệm vụ huấn luyện viên trưởng đội tuyển Judo quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn