MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hùng Dũng từng gặp chấn thương rất nặng, phải nghỉ thi đấu dài hạn. Ảnh: Minh Dân

Có bảo hiểm thì vẫn cần tinh thần thể thao

Lê Vinh LDO | 21/02/2022 10:57
1. Tin vui cho các câu lạc bộ, cầu thủ và đội ngũ trọng tài trước mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2022: Họ sẽ tiếp tục được bảo hiểm.

Theo đó, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có năm thứ năm ký kết hợp tác với Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (PTI) để trang bị gói bảo hiểm cho toàn bộ cầu thủ và đội ngũ trọng tài. Dù đã có bảo hiểm trong 4 năm qua nhưng vẫn phải nói lại rằng, việc ra sân làm nhiệm vụ cùng “tấm khiên bảo vệ” giúp cầu thủ, trọng tài yên tâm hơn trong trường hợp xấu xảy ra.

Bóng đá là môn thể thao đối khác, có tính chất mạnh mẽ và nhiều tình huống khó lường. Chấn thương có thể đến bất kỳ lúc nào, mức độ nặng, nhẹ khác nhau nhưng đều có ảnh hưởng đến sự nghiệp, không chỉ người dính chấn thương mà cả người gây ra chấn thương.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những cầu thủ phải sớm chia tay sự nghiệp vì không có tiền điều trị chấn thương. Cũng có những cầu thủ may mắn có ông bầu đứng ra giúp đỡ phần nào để bồi thường khi gây ra chấn thương cho đồng nghiệp. Vậy nên, có bảo hiểm thực sự là điều cần thiết, khi thực tế cho thấy, trong 4 mùa giải qua, số tiền mà PTI chi trả bảo hiểm cho rất nhiều trường hợp chấn thương lên đến gần 10 tỉ đồng.

2. Đại diện lãnh đạo VPF nói rằng, trang bị bảo hiểm cho toàn bộ cầu thủ, trọng tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với VPF, khi là đơn vị quản lý, tổ chức, điều hành các giải đấu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, VPF vẫn cần nhấn mạnh hơn nữa vào việc các câu lạc bộ cần giáo dục ý thức cầu thủ, chơi bóng vì thành tích của cá nhân, câu lạc bộ nhưng trên tinh thần thể thao.

Không phải tự nhiên mà trong nhiều năm, V-League vẫn chưa thoát khỏi biệt danh “Võ-League”. Hiếm có mùa giải nào không xảy ra những sự việc gây nhức nhối mà hành động của cầu thủ không thể bào chữa bằng cách nói “nhiệt tình quá mức” một cách đơn giản.

Chấn thương là điều khó tránh trong bóng đá, nhưng nếu điều đó xảy ra, hãy để nó là điều không may chứ không phải chuyện triệt hạ lẫn nhau, hay sự căng thẳng vùng miền, dẫn đến hậu quả là ảnh hưởng đến mình, đến đồng nghiệp, câu lạc bộ và thậm chí là cả đội tuyển quốc gia.

Chẳng cầu thủ nào muốn rơi vào tình cảnh nhận tiền khi nằm trên giường bệnh với cái chân phải bó bột, còn “tội đồ” thì mang theo sự hối hận và cái nhìn không thiện cảm từ xã hội. Bóng đá đẹp mang lại niềm vui, thu hút khán giả và dĩ nhiên, dần dần nuôi sống được chính mình để “tiền bảo hiểm chỉ là giá trị tinh thần chứ không cần dùng đến”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn