MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trung tâm đào tạo như Nutifood hay PVF nên có các đội chuyên nghiệp trong tương lai? Ảnh: V.Đ

Cơ hội cho cầu thủ trẻ tại V.League: Con đường phải đi

TAM NGUYÊN LDO | 29/07/2022 11:09

Thực ra, không có con đường nào sai cả, chỉ là bóng đá Việt Nam chọn đi theo hướng nào cho phù hợp…

Những biến chuyển tích cực

Thời gian gần đây, khi Night Wolf V.League 2022 trở lại guồng quay sau vài tháng gián đoạn, đã có những chuyển biến tích cực hơn về thời lượng thi đấu của các cầu thủ trẻ. Nếu như với những Mạnh Dũng, Việt Anh, Thanh Bình, Hoàng Anh đang cho thấy sự trưởng thành ở sân chơi hàng đầu của bóng đá nội thì đâu đó trên dải đất hình chữ S, những Tiến Long, Tuấn Tài, Văn Chuẩn, Duy Cương, Thanh Nhân, Đình Lâm, Quang Nho, Hai Long, Văn Tùng, Vĩ Hào, Hoàng Bảo, Đình Duy, Phi Hoàng, Văn Hữu, Trọng Nam, Văn Minh, Xuân Tú, Xuân Tiến, Sỹ Hoàng, Bá Sang, Văn Việt, Văn Lắm… đã được tin, được trao cơ hội ra sân tại các câu lạc bộ Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel…

Khi đã có những đóng góp nhất định vào thành công chung của đội bóng - hầu hết các câu lạc bộ trên đang có vị trí cao trên bảng xếp hạng Night Wolf V.League 2022 sau 9 vòng đấu, hẳn là họ sẽ được tin tưởng nhiều hơn từ ban huấn luyện, qua đó bồi đắp thêm niềm tin cho chính mình để tận dụng cơ hội và tích lũy kinh nghiệm.

Đã có những bàn thắng, đã có những pha xử lý được giới chuyên môn đánh giá cao, đã có bóng dáng của những cầu thủ giỏi trong tương lai… Nhưng bóng đá Việt Nam còn muốn nhiều hơn thế.

Cần nhiều hơn nữa cơ hội thi đấu cho các cầu thủ trẻ, nên câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh nhiều thứ chưa thể thay đổi chỉ trong ngày một, ngày hai, làm thế nào để tạo ra sân chơi cho họ?

Con đường phải đi

Như bài trước đã đề cập, có nhiều ý tưởng, nhiều đề xuất được đưa ra liên quan đến việc tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ được thi đấu thường xuyên. Có thể nói rằng, không có con đường nào sai cả, chỉ là với môi trường bóng đá Việt Nam hiện tại, chọn đi hướng nào cho phù hợp?

Trước tiên, cần xác định rằng, dù nói là môi trường hiện tại nhưng tất cả cùng phải hướng về mục tiêu chung là tương lai. Tương lai đó có thể là 5 năm hay 10 năm mới có thể hoàn thiện, nhưng nếu không làm bây giờ thì chờ đến bao giờ? Bắt đầu luôn là điểm khó nhất, nhưng thực ra, bóng đá Việt Nam không phải là ở điểm bắt đầu mà đã có cơ sở, có nền tảng nhất định. Đó chính là nguồn lực, khi lứa U.23 đang rất đông đảo, chưa kể lứa kế cận U.21, U.19 cũng sẵn sàng tạo nên một “làn sóng”…

Để tránh tình huống “dồn toa”, sân chơi nào dành cho họ? Nếu tách rời từng ý tưởng, từng đề xuất, sẽ luôn có 2 khía cạnh “được” và “không được” - hay nói đúng hơn là “khó”. Nhưng nếu có thể, hãy kết hợp những mặt “được” của các đề xuất để tạo nên những bước đi đồng bộ, chậm nhưng chắc.

Giả dụ như việc tăng thêm số đội ở V.League 1 lên 16 hoặc 18, thành lập thêm các đội bóng chuyên nghiệp (của các trung tâm như Nutifood, PVF hay các trung tâm kết hợp với các câu lạc bộ như Juventus, Lyon) để bắt đầu đi lên từ các hạng dưới. Khi Nutifood đã sẵn sàng tài trợ cho ý tưởng để đội U.23 đá V.League thì không lý do gì họ không thể thành lập đội chuyên nghiệp.

Tất nhiên, bóng đá chuyên nghiệp sẽ cần mở rộng hơn nữa thay vì chỉ mang tính địa phương hoặc câu lạc bộ của ngành. Vì bóng đá cũng là kinh doanh để có thể tự nuôi mình.

Song song với việc chuẩn bị thành lập thêm các câu lạc bộ chuyên nghiệp là việc tổ chức “giải phụ” cho lứa U.23 của các câu lạc bộ. Có thể hiện tại 13 đội bóng của V.League chưa có tuyến trẻ thì xây dựng phương án có bao nhiêu tổ chức bấy nhiêu, hoặc kết hợp đội trẻ của các đội ở V.League 2 (nếu có), tạo thành một giải đấu league…

Con đường đi sẽ dài và gian truân, nhưng mỗi một thành tố liên quan đều có trách nhiệm với mình, với bóng đá Việt Nam thì sự kết hợp các ý tưởng, giải pháp sẽ mang lại kết quả như mong đợi.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn