Trong hai năm qua (từ 2022 tới 2024), bắn cung Việt Nam tham dự ba đấu trường quan trọng nhất là SEA Games 31 tại Việt Nam, ASIAD 19 tại Trung Quốc và sắp tới là Olympic 2024 ở Pháp.
Hai đấu trường SEA Games 31 và ASIAD 19, đội tuyển bắn cung Việt Nam không giành được huy chương vàng. Đấu trường ASIAD 19 là thử thách lớn nhất cho Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong trong hành trình tìm suất dự Olympic 2024, họ đã nỗ lực nhưng chưa đạt kết quả huy chương.
Tuy nhiên, sau các lượt của giải World Cup 2024 ở môn bắn cung, chúng ta có niềm tin cụ thể vào khả năng thi đấu của Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong.
Chuyên gia Park Chae-soon khẳng định cơ hội triển vọng bởi số lượng vận động viên dự nội dung cung một dây đã được rút gọn hơn so với các giải vòng loại Olympic. Nếu Ánh Nguyệt và Quốc Phong đạt được sự bình tĩnh thì cơ hội giành chiến thắng là triển vọng.
Trong nhiều lần chia sẻ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn luôn bảo vệ quan điểm chuyên môn rằng, bắn cung là môn thi đấu có triển vọng đạt được kết quả cao ở đấu trường lớn.
Cung một dây cá nhân nam có 64 tuyển thủ tham dự, cung một dây cá nhân nữ cũng có số lượng trên. Quy định của chuyên môn giống các giải quốc tế đó là cung thủ phải bắn loại để xác định vị trí của mình, sau đó nội dung sẽ phân cặp và nhánh thi đấu của nội dung từ kết quả bắn loại để tranh tài lượt loại trực tiếp. Hai tuyển thủ của đội bắn cung Việt Nam sẽ có thêm 4 ngày tập luyện ở Pháp trước khi vào thi đấu chính thức Olympic 2024.
Khi đưa phân tích về thi đấu chuyên môn trong buổi báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Thể dục Thể thao trước khi đội tuyển bắn cung đi Olympic 2024, huấn luyện viên Park Chae-soon cho rằng, mọi sự chuẩn bị đang kĩ lưỡng nhất nhưng khi đứng trên trường bắn thi đấu thì bản lĩnh của từng cung thủ sẽ quyết định sự thành công.
Lần lượt Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong đã trải qua nhiều giải quốc tế trước khi tới Olympic 2024 nhưng rõ ràng yếu bản lĩnh là điều quyết định cho điểm số ghi được của họ. Trong sự nghiệp, chuyên gia Park Chae-soon đã làm việc với đội tuyển bắn cung Hàn Quốc và góp mặt kì Olympic năm 2016, Olympic năm 2020 nên ông hiểu sự căng thẳng và tính khốc liệt cạnh tranh ở đây.
Chúng ta có điểm yên tâm là cung thủ không bị áp lực đè nặng với trọng trách phải đạt huy chương khi thi đấu nhưng ở khả năng thi đấu của mình, ban huấn luyện cần nhất là sự tập trung, giữ được một sự tỉnh táo của từng người để có kết quả cao nhất.
Trên bảng xếp hạng thế giới, Lê Quốc Phong đang đứng vị trí 46 cung một dây nam; Đỗ Thị Ánh Nguyệt đứng vị trí 70 cung một dây nữ.
Ở lượt tranh tài diễn ra ngày 25.7, Ánh Nguyệt xếp hạng 37 trên tổng số 64 vận động viên tham dự vòng phân hạng. Cô sẽ gặp cung thủ xếp hạng 28 là Fallah Mobina (Iran).
Sau Ánh Nguyệt, vận động viên Lê Quốc Phong cũng bước vào tranh tài tại Olympic Paris 2024 - môn bắn cung, nội dung cung 1 dây. Anh đạt 652 điểm và xếp hạng 47/64. Đối thủ của anh tại vòng 1/32 là vận động viên xếp hạng 18 - Dan Olaru (Romania).
Đáng tiếc, thành tích của Quốc Phong là không đủ giúp anh và Ánh Nguyệt có thể giành suất thi đấu vòng 16 nội dung đồng đội nam nữ hỗn hợp tại Olympic Paris 2024.
Vào ngày 30.7, hai cung thủ sẽ bước vào thi đấu vòng 64. Hy vọng, cả hai cung thủ sẽ tận dụng cơ hội.