MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu tuyển thủ Phan Thị Anh Đào - Giám đốc kỹ thuật mảng bóng đá nữ (phụ trách từ U.9 đến đội nữ Coomera Soccer Club đang thi đấu tại giải hạng Nhất Australia). Ảnh: NVCC

“Con đường không tên” và hành trình ở Australia của Đào

Minh Dân LDO | 08/03/2021 09:19
“Cầu thủ làm gì khi giải nghệ?”. Đó là vấn đề đau đầu của những ai đã, đang và sẽ theo thể thao chứ không chỉ riêng bóng đá hay bóng đá nữ. Tuy nhiên, ở tận Australia xa xôi, có một cựu tuyển thủ trả lời được câu hỏi ấy… Đó là Phan Thị Anh Đào.

Có một “Con đường không tên…”

Năm 2003, Trung tâm thể thao Nhổn (Hà Nội) một ngày mưa tầm tã, trên sân vương vãi cơ man là cơm, thức ăn thừa và rác… một cô gái với mái tóc xoăn tít lặng lẽ cắn chặt môi, trong đôi mắt đầy nghị lực không có một giọt nước mắt. Cô đứng dậy trên đôi nạng gỗ, từng bước khó khăn trở về phòng với biết bao câu hỏi đặt ra trong đầu.

“Rồi sau này tương lai mình ra sao? Chẳng lẽ sự nghiệp kết thúc tại đây hay chăng? Cuộc sống mãi bất công với mình như vậy hay chăng…?” và tất nhiên không có câu trả lời nào được đưa ra. Thế nhưng kể từ đó, cô trở nên cương nghị hơn, mạnh mẽ và quyết tâm hơn trên con đường đã chọn. Cô làm tất cả những việc có thể, như trọng tài bóng đá phong trào, trọng tài tennis, dạy võ… để học tiếng Anh để duy trì việc học đại học của mình.

“Hồi đó, khi thi đấu cho đội nữ TPHCM rồi đội tuyển, lúc giao tiếp với cầu thủ nữ nước ngoài thì họ khinh mình lắm. Họ nhìn mình với con mắt coi thường, vì cầu thủ nữ mình thì không ai biết tiếng Anh cả, không ai giao tiếp được. Đó cũng là một phần nguyên nhân tôi quyết tâm làm thêm, học thêm để học tiếng Anh và phải học thật giỏi”, cựu tuyển thủ Phan Thị Anh Đào - Giám đốc kỹ thuật mảng bóng đá nữ (phụ trách từ U.9 đến đội nữ Coomera Soccer Club đang thi đấu tại giải hạng Nhất Australia) - chia sẻ.

Để vừa theo học đại học, học tiếng Anh và đá bóng, một ngày của Đào bắt đầu từ 4, 5 giờ sáng. “Đào chăm lắm và nỗ lực hơn người khác rất, rất nhiều lần. Tôi cùng Đào thức dậy từ sớm, tập các bài tập theo như giáo án của thầy Lợi tới tầm 6 giờ. Sau đó, Đào lên trường để học, tới khoảng 3 giờ chiều là có mặt ở đội để tập rồi. Tập xong, Đào đi bắt trọng tài tennis, bóng đá phong trào và thậm chí dạy võ nữa”, huấn luyện viên Đoàn Thị Kim Chi chia sẻ về người chị xem như là “đứa em nuôi”.

Cô gái họ Phan ấy vẫn cứ tiếp tục, lặng lẽ đi trên con đường chẳng có tên ấy của mình. với ý trí, nghị lực đến phi thường. Chẳng cần ai nhớ đến, chẳng cần ai “nhớ mặt, đặt tên”, cô tự đi trên chính đôi chân của mình.

Năm 2008, Đào tham dự chương trình Project Future Coaching của AFC tổ chức tại Thành Long. Cùng lúc đó, cô làm giảng viên trường Cao đẳng Phú Lâm, Cao đẳng Bách Việt và Trung tâm Arsenal JMG.

Đến hành trình trên đất Australia

Năm 2017, trên chuyến bay đến Australia, cô gái với đôi nạng gỗ ở trung tâm Nhổn ấy mang theo tất cả hành trang kèm thư mời thử việc của Ipwish Bull.

“Năm 2015, với những kiến thức và tích lũy của mình, tôi bắt đầu mở một trung tâm bóng đá cộng đồng mang tên I.soccer tại TPHCM. Một phụ huynh có nói với tôi rằng họ thích cách làm việc và phương pháp huấn luyện của tôi. Nếu áp dụng ở phương Tây thì sẽ rất thích hợp.

Và rồi sau đó không lâu, họ đưa tôi một thư mời thử việc. Điều quan trọng là tôi có dám đi, dám thử sức mình hay không?” - Anh Đào kể. Hơn 2 tháng ở Australia, cô tự mày mò, tự tìm đến địa chỉ trong thư mời thử việc, làm đủ mọi công việc để kiếm thêm thu nhập.

“2 tháng đó cực lắm nhưng tôi muốn họ thấy người Việt giỏi và xứng đáng với công việc họ lựa chọn”. Chuỗi thời gian khắc nghiệt của cô gái đá bóng lại bắt đầu từ 4, 5 giờ sáng và kết thúc vào lúc đêm muộn. Chỉ có điều, nó diễn ra trên đất Australia. Sau thành công cùng Ipwish, cô dần nhận được nhiều lời mời hơn. Năm 2018, Đào trở thành huấn luyện viên trưởng U.16 nam Western Pride và 1 năm trở thành trợ lý U.20 nam Gold Goast Knights.

“Nhiều khi nhắn, gọi Đào không được, vài ngày sau mới thấy trả lời. Đào chỉ tranh thủ 1, 2 tiếng lái xe để gọi về nhà, tâm sự với mọi người. Lúc nào Đào cũng chỉ có công việc và công việc” - huấn luyện viên Đào Thị Kim Chi chia sẻ thêm.

Đã 3 cái Tết, cô gái có mái tóc quăn tít và đôi mắt cương nghị ấy vẫn xa quê. Nỗi nhớ và mong ước được trở về cống hiến cho bóng đá Việt Nam vẫn luôn chất chứa trong Đào. Nếu có một lời mời, Đào sẽ trở về, trở về để giúp cho những cô gái đá bóng vẫn còn đang tập trẻ hoặc vừa mới được nhấc lên đội 1 học việc trả lời câu hỏi “Cầu thủ làm gì khi giải nghệ?”.

“Khi kết thúc bằng Pro của AFC (bắt đầu học cuối năm 2019), nếu nhận được lời mời từ Việt Nam thì tôi sẵn sàng gác lại tất cả ở đây để trở về. Nếu lời mời đó từ bóng đá nữ thì lại càng tuyệt…”. (Phan Thị Anh Đào - Giám đốc kỹ thuật mảng bóng đá nữ, phụ trách từ U.9 đến đội nữ Coomera Soccer Club đang thi đấu tại giải hạng Nhất Australia)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn