MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con đường nào cho bóng đá Việt?

Lê Vinh LDO | 28/12/2021 11:26
Trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2020 giữa tuyển Việt Nam và tuyển Thái Lan tối 26.12, có một chi tiết đáng chú ý khi 2 đội trở lại sau giờ nghỉ giải lao. Đó là khi huấn luyện viên Park Hang-seo đưa tiền đạo Công Phượng vào thay Đức Chinh, người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến, Alexandre Polking cũng điều chỉnh nhân sự, với trung vệ Elias Dolah vào sân. Elias, 28 tuổi, cao 1m96, Công Phượng, 26 tuổi, cao 1m68…

Ngoài Elias, tuyển Thái Lan còn có trung vệ khác là Manuel Bihr, cũng 28 tuổi, cao 1m84. Elias sinh ra ở Thụy Điển, Bihr sinh ra tại Đức, nhưng đều có sợi dây liên hệ với Thái Lan qua bố hoặc mẹ. Nhắc tới chi tiết chiều cao để nói về cách tận dụng nhân sự trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam nên cần có tư duy mới.

Trên thực tế, tuyển Việt Nam cũng có nhân tố giống Elias và Bihr là Văn Lâm, nhưng có lẽ, chỉ riêng thủ thành đang khoác áo câu lạc bộ Cerezo Osaka vẫn là chưa đủ để cải thiện thể hình, thể lực của đội tuyển. Mà khi việc dùng cầu thủ nhập tịch là rất hạn chế, bóng đá Việt Nam cần làm gì để nâng cấp bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu cho các cầu thủ?

Việc đẩy mạnh đào tạo trẻ là tạo nên nền móng vững chắc cơ bản, nhưng chen chân vào đội 1 tại V.League là thử thách lớn với cầu thủ trẻ, khi còn đó các đàn anh tài năng cùng những nhân tố ngoại. Vậy thì chỉ còn cách đẩy mạnh “xuất khẩu cầu thủ”.

Một thống kê gần đây cho thấy, bóng đá Nhật Bản hiện có khoảng 500 cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài, trên khắp thế giới. Và đội tuyển của họ mạnh thế nào, ai cũng biết. Ngay cả tuyển Thái Lan hiện tại cũng có 4 cái tên đang chinh chiến ở nước ngoài, 3 trong đó là các nhân tố quan trọng như Chanathip Songkrasin, Thanawat Suengchitthawon, Theerathon Bunmathan. Nhiều người có thể ghét thái độ của Theerathon nhưng không thể phủ nhận bản lĩnh thi đấu của hậu vệ 31 tuổi này khi được thi đấu tại J.League của Nhật Bản.

Bóng đá Việt Nam từng có những cầu thủ trong đội hình hiện tại ra nước ngoài thi đấu nhưng đều không thành công. Vấn đề là gì? Nếu đó là hợp đồng mang tính thương mại, đó hẳn nhiên là thất bại về chuyên môn, nhưng ít nhất, việc tập luyện khoa học, bài bản, cường độ cao hơn đã giúp Văn Hậu, Công Phượng có sự đổi thay.

Ra nước ngoài, rõ ràng là nên tìm đến một câu lạc bộ nào đó vừa sức, ở một giải đấu phù hợp, có cơ hội thi đấu thường xuyên thay vì đến một giải đấu lớn, một câu lạc bộ tên tuổi và rồi chỉ có ăn, tập và đá với đội trẻ…

Tâm lý e ngại từ chính các cầu thủ, các đội bóng sợ mất quân, giảm sức mạnh là những cản trở. Nhưng, bóng đá cũng như nhiều khía cạnh khác, cỗ máy luôn cần có sự vận động, và vận động sẽ mở ra những cánh cửa cơ hội khác, tốt hơn việc cứ ôm lấy sự an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn