MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Esports đã có bước phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Trước khi có mặt ở ASIAD 19, nó cũng đã được tổ chức thi đấu ở SEA Games 31, 32. Ảnh: Thanh Vũ

Cột mốc lịch sử cho Esports tại ASIAD 19

NGUYỄN ĐĂNG (THEO AFP) LDO | 19/09/2023 11:51

Thể thao điện tử (Esports) sẽ tranh chấp huy chương tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 19), đánh dấu bước tiến quan trọng để hướng đến các đấu trường lớn hơn, được thừa nhận rộng rãi hơn.

Esports đã góp mặt tại Đại hội thể thao châu Á 2018 tại Indonesia nhưng thành tích không được tính vào bảng xếp hạng.

Lần này các vận động viên sẽ tranh chấp huy chương tại Hàng Châu, ở 7 môn khác nhau gồm EA Sports FC, PUBG Mobile, Arena of Valor, Dota 2, League of Legends, Dream Three Kingdoms 2 và Street Fighter V. Các môn Esports tại ASIAD 19 sẽ diễn ra từ ngày 24.9 đến 2.10 tại Trung tâm thể thao điện tử Hàng Châu.

Đối với Mayank Prajapati, niềm hy vọng giành huy chương của Ấn Độ trong bộ môn Street Fighter, ASIAD 19 sẽ đánh dấu một bước tiến dài mà anh và Esports đã nỗ lực suốt những năm qua. Vận động viên này đã nhớ lại việc bản thân đã bị cha đánh khi còn nhỏ, vì tội lẻn đi chơi trò chơi điện tử.

Anh nói: “Tôi chơi trò chơi đầu tiên của mình vào cuối những năm 1990 trên một máy arcade ở chợ với 2 rupee mà tôi có”. Cùng chung ý kiến, Kim Gwan-woo, người sẽ đại diện cho Hàn Quốc trong Street Fighter V, cho biết: “Bố mẹ tôi cực kỳ ghét tôi chơi trò chơi điện tử”.

Câu chuyện của Prajapati hay Kim Gwan-woo là mang tính điển hình cho nhiều các vận động viên Esports từ khắp châu Á, những người đã mất nhiều thời gian để được thừa nhận từ gia đình, xã hội.

Sau một hành trình dài, bộ môn này đã được công nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia, mở ra cơ hội nghề nghiệp, thu nhập cao cho vận động viên, đồng thời tạo ra nguồn doanh thu lớn, đóng góp cho nền kinh tế.

Giáo sư Kang của Đại học Shingu, một trong những thế hệ game thủ chuyên nghiệp đầu tiên của Hàn Quốc với bí danh “HOT Forever”, cho biết việc đưa Esports vào Đại hội thể thao châu Á là một cột mốc quan trọng đối với eSports trong nỗ lực được công nhận là một môn thể thao “thực sự”.

Phó chủ tịch Liên đoàn Esports châu Á - Lokesh Suji gọi ASIAD 19 là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng là được góp mặt ở Olympic. Lokesh Suji cũng là giám đốc của Liên đoàn Esports Ấn Độ, cho biết: “Giấc mơ cuối cùng sẽ thành hiện thực khi nó được đưa vào Thế vận hội như một môn thể thao có huy chương chính thức”.

Điều đó hứa hẹn sẽ diễn ra trong tương lai gần, tuy nhiên nó sẽ không có mặt Olympic Paris 2024, khi ban tổ chức và Ủy ban Olympic quốc tế đã “chốt sổ” các môn từ lâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn