MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhật Bản sẽ nhận thiệt hại nặng về kinh tế sau khi hoãn Olympic. Ảnh: Nikkei

Cú knock-out với nền kinh tế, thể thao của Nhật Bản

NHIẾP PHONG LDO | 26/03/2020 07:50

Chính phủ Nhật Bản đã phải “cắn răng” khi đề xuất với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hoãn Olympic 2020 và chấp nhận hệ quả nặng nề sau đó...

Thống kê sơ bộ của nhật báo Nikkei Asian Review, Nhật Bản sẽ thiệt hại từ 600 - 700 tỉ Yên (tương đương 5,42 - 6,32 tỉ USD). Con số này đến phần lớn từ các công ty, hãng quảng cáo đã đổ tiền vào tài trợ cho Thế vận hội Tokyo. Trong đó, Bridgestone phải gánh hậu quả nặng nề nhất khi có thể thiệt hại 50% trong số đó.

Chính phủ Nhật Bản hồi đầu năm từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào Olympic Tokyo 2020 khi đây có thể là cơ hội để kinh tế của đất nước phục hồi sau đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10.2019. Trong con số thiệt hại từ 600 - 700 tỉ Yên, có đến 550 tỉ Yên theo sơ bộ bị hao hụt do tiêu dùng nội địa. Hiểu đơn giản rằng khi không có Thế vận hội, sức mua bán của người dân và du khách rất ít hoặc không có.

Nhật Bản đã nhìn vào các quốc gia chủ nhà ở những kỳ trước để ước lượng được khoảng tăng trưởng kinh tế sau Olympic. Tuy nhiên, họ đã không thể chiến thắng được dịch COVID-19. Trên thực tế, số thiệt hại mà “đất nước Mặt trời mọc” phải chịu không đến nhiều từ cơ sở hạ tầng, mặc dù các khoản đầu tư cho lĩnh vực này để phục vụ Olympic đã được hoàn tất (khoảng 1.000 tỉ Yên).

Du lịch chắc chắn là lĩnh vực mà Nhật Bản chịu hậu quả nặng nhất. Hệ thống khách sạn Imperial đưa ra số lợi nhuận kinh doanh đã giảm 37% so với cùng kì năm ngoái. Số lượng khách đặt phòng giờ chỉ còn một nửa, tỉ lệ lấp đầy số phòng giảm còn 50%, so với 80% cùng kỳ năm ngoái.

Việc hoãn thời gian tổ chức Olympic khiến các “công ty blue-chip” (công ty lớn có vốn hóa trên thị trường toàn cầu) cũng mất dần giá trị về hình ảnh khi tài trợ. Họ đã xếp hàng dài để được Nhật Bản gật đầu cho việc tài trợ vào Olympic với tổng số tiền khoảng 3 tỉ USD. Một số cái tên lớn như Toyota Motor và Panasonic, giống như Bridgestone, là đối tác toàn cầu của IOC. Bên cạnh đó, những hãng nổi tiếng khác như Canon, Asahi Breweries, Mizuho Financial Group cũng có nhiều hợp đồng lớn với Nhật Bản và IOC.

Nhìn sang một khía cạnh khác, từ những việc nhỏ như chăn gối cho các phòng thuộc làng vận động viên, hậu quả phải gánh chịu cũng rất nặng nề. Doanh nghiệp Airweave đã cam kết cung cấp tới 18.000 bộ chăn ga gối cho làng Olympic. Tuy nhiên, khi Thế vận hội bị hoãn, phía đại diện Ban tổ chức và Chính phủ Nhật Bản cũng chưa có phát ngôn chính thức nào với Airweave. Điều này khiến ông Motokuni Takaoka - Chủ tịch của hãng rất bức xúc. Bởi lẽ, việc cung cấp các bộ chăn ga gối kể trên có thể diễn ra vào năm sau, nhưng khoản tiền họ đã bỏ ra để chạy chiến dịch quảng cáo, xây gian bán hàng, giới thiệu sản phẩm,... sẽ được nhận đền bù từ ai?

Olympic 2020 sẽ được tổ chức trên 42 địa phương của Nhật Bản. Những nơi có cơ sở hạ tầng lớn như sân bóng đá không quá lo về việc xuống cấp. Nhưng ở các địa điểm thi đấu nhỏ lẻ hơn, tiền duy trì cơ sở hạ tầng sẽ lấy từ đâu? Và sau 1 năm, liệu nơi đó có còn đủ chất lượng để thi đấu?

Cũng nói về bất động sản, các làng Olympic sẽ chuyển thành chung cư để bán sau khi đại hội kết thúc. Mitsui Fudosan và 9 đơn vị khác đã ký hợp đồng bán được 4.145 căn và sẽ bàn giao cho người mua sau Thế vận hội. Tuy nhiên, khi Olympic bị hoãn 1 năm, giá trị mỗi căn sẽ còn bao nhiêu, khấu hao như nào, người mua có chịu nữa không,... là những câu hỏi không ai giải đáp được cho các chủ đầu tư.

Tiếp đến là công tác an ninh. Nhật Bản dự kiến sẽ thuê khoảng 14.000 người để làm công tác này. Một liên doanh thời gian ngắn giữa hàng trăm công ty cung cấp dịch vụ an ninh, điển hình như Secom và Took, đã ký hợp đồng, thậm chí ứng tiền trước với đối tượng được thuê. Nhưng Olympic bị hoãn 1 năm, điều này đồng nghĩa với việc vào thời điểm này năm sau, họ vẫn phải giữ được chừng đó người để bàn giao cho Ban tổ chức. Điều này gần như không tưởng.

Cuối cùng, Thế vận hội bị hoãn cũng khiến nhiều giải đấu của Nhật Bản rơi vào cảnh hoang mang, mất phương hướng. Ví dụ như giải vô địch thế giới bơi lội ở Fukuoka sẽ tổ chức như nào, các vận động viên còn dám tham gia không khi nỗi lo dịch COVID-19 vẫn chưa lắng xuống? Khi Olympic bị hoãn, mọi giải đấu nhỏ sẽ bị những hệ lụy kéo theo bủa vây, khiến những nhà tổ chức và người tham gia chán nản, thậm chí không còn muốn nó được diễn ra nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn