MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đánh kẻ chạy đi…

Lê Vinh LDO | 21/12/2023 08:29

Thái độ khi chào đón sự trở lại của những vận động viên từng dính án doping sẽ là tấm gương phản chiếu cho việc họ có thể tìm lại ánh hào quang hay không?

Thể thao Việt Nam có những vận động viên bị phát hiện dương tính với chất cấm trong các hoạt động thể thao, gần nhất là nhóm tuyển thủ của đội tuyển điền kinh, cử tạ. Khi tinh thần của thể thao là sự cao thượng, trong sáng, công bằng, hẳn nhiên, những ánh nhìn hướng về người chiến thắng nhờ chất kích thích không phải là sự thiện cảm.

Doping hoàn toàn có thể kết thúc sự nghiệp, hủy hoại danh tiếng của vận động viên. Thậm chí, khi rời cuộc sống thể thao để trở về với đời sống bình thường, họ vẫn bị ảnh hưởng, đôi khi phải trốn chạy.

Vào giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI, thể thao thế giới rúng động với vụ việc dùng doping có tính hệ thống tại Giải đua Xe đạp Tour de France - hậu quả là Lance Armstrong bị cấm suốt đời và tước mọi danh hiệu giành được từ năm 1998. Đó là cái kết không đẹp, đến cả danh xưng huyền thoại cũng không còn được gắn với cua-rơ người Mỹ.

Thế nhưng, ở một góc độ khác, không phải tất cả vận động viên dính án doping đều xuất phát từ sự chủ động. Thay vào đó, có thể chỉ là vô tình. Tất nhiên, khi đã có chất cấm trong người thì dù là chút lơ đễnh, chủ quan hay thiếu kiến thức, họ đều phải trả giá bằng những án phạt có thời hạn nhất định.

Rồi thời gian cũng trôi đi, án phạt hết hiệu lực, họ có thể trở lại, sự tiếp nhận nên theo góc độ nào? Ngay từ khi thông tin vận động viên dính doping được công khai, đã có những dấu hỏi rằng, con đường nào dành cho họ? Họ có còn giữ được tinh thần để tập luyện, duy trì thể trạng hay gục ngã để chọn rẽ sang con đường khác? Có người làm được, có người không, nhưng với những người làm được, câu hỏi tiếp theo lại dành cho người ngoài về thái độ đón nhận.

Họ dính doping, nhưng khi thời hạn của án phạt khép lại, họ có đáng bị gắn với nó cả phần còn lại của sự nghiệp, của cuộc đời? Họ đã trả giá cho những vi phạm, nhưng vì con đường phía trước, vì khát khao cống hiến cho thể thao nước nhà, sự nỗ lực và trở lại của họ cần được đón nhận bằng cái nhìn bao dung. Cả sự khích lệ, cổ vũ, động viên nữa, bởi đứng trên tài năng, thứ quan trọng nhất vẫn là biết đứng dậy khi vấp ngã.

Hãy thử tưởng tượng về những lời hằn học, những ánh nhìn thiếu thiện cảm khi họ - những người đã có cho mình bài học lớn, trở lại, hậu quả sẽ nối tiếp hậu quả chứ không phải thành quả. Chẳng phải chúng ta vẫn nói “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”!?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn