MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Thị Lụa. Ảnh: QUỐC AN

Để “cái khó không bó cái khôn”

Hoài Việt LDO | 06/11/2017 13:30
Tiếp câu chuyện về những trường hợp VĐV đỉnh cao vắng bóng cả năm 2017 vì chấn thương, tất cả cùng chung “bài ca… kêu khó”.

Trao đổi với Trưởng bộ môn Vật (Tổng cục TDTT) - ông Nguyễn Thế Long - xác nhận, đội Tuyển Vật Việt Nam vẫn chờ đợi Nguyễn Thị Lụa sớm bình phục chấn thương để tập luyện, thi đấu. Ông Long cho biết, “hiện tại Lụa vẫn đang trong danh sách đội Vật Quốc gia của năm 2017 nên được hưởng đủ chế độ của 1 tuyển thủ theo quy định”. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề rằng ngôi sao nữ từng là số 1 của Vật nữ Việt Nam này có thể trở lại phong độ đỉnh cao nhất và là mũi nhọn để Việt Nam kỳ vọng tranh chấp thành tích huy chương ở ASIAD 2018 hay không - ông Long nói “sẽ khó”.

“VĐV Lụa sau phẫu thuật dây chằng đầu gối rồi tiếp tục phẫu thuật chấn thương vai, hiện có thể phải phẫu thuật vùng sụn đầu gối. Chúng tôi phải theo phác đồ điều trị của bác sĩ chứ không thể quyết định. Bộ môn và ĐTQG chịu trách nhiệm về chuyên môn VĐV còn bộ phận y tế giám sát sức khỏe cho VĐV. Lúc này, phụ thuộc nhất chính là… ý chí của VĐV”.

Nói là vậy, nhưng ai cũng hiểu, VĐV không ai muốn mình bị đau yếu, chấn thương và luôn chỉ mong sức khỏe, mạnh mẽ nhất để tập luyện, thi đấu. Trong giãi bầy của mình, Nguyễn Thị Lụa cho biết, cô chưa hết khao khát tranh tài và chiến thắng. Điều khó mà bản thân VĐV chưa thể giải đáp được chính là làm sao cái đầu gối đang bị đau ở vùng sụn mau khỏi bởi chưa thật tin tưởng sự chữa trị ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

Giống Lụa, cựu VĐV đấu kiếm Nguyễn Thị Lệ Dung đã bị tổn thương nghiêm trọng vùng sụn 2 đầu gối sau thời gian dài tập luyện, thi đấu. Dung từng mất niềm tin do phải chờ gần 1 năm để có kinh phí, quyết định đi Singapore phẫu thuật. May mắn cho cô, chuyến đi phẫu thuật tại Singapore đã được thực hiện hồi tháng 7 và Lệ Dung đang bình phục trở lại.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Vương Bích Thắng - từng cho biết, mấu chốt vẫn là kinh phí. Ngành thể thao muốn đưa VĐV ra nước ngoài phẫu thuật nhưng tài chính chỉ có hạn. Một ca phẫu thuật của Lệ Dung ngót nghét 600 triệu đồng và ngành Thể thao hãn hữu chỉ đủ “gánh” cho 1 hoặc 2 tuyển thủ chứ lấy số đông là không thể.

Trong khi đó, lãnh đạo bộ môn Điền kinh (Tổng cục TDTT) cho biết, việc phẫu thuật của Lê Trọng Hinh đã thực hiện, điều quan trọng là sự chăm chỉ và ý thức của VĐV phải có quyết tâm trở lại. Tuy nhiên, điều mà không ai chờ đợi lại là việc chữa trị nếu không đạt hiệu quả cao nhất, có thể dẫn đến bị kịch của cả một số phận. Điền kinh VN đã có bài học nhãn tiền trong trường hợp cựu VĐV Trương Thanh Hằng.

Sau chấn thương bị tai nạn gãy chân do xe máy đâm năm 2012, Hằng được chữa trị theo phác đồ của các bác sĩ trong nước nhưng rốt cuộc không thể trở lại thi đấu đỉnh cao rồi giải nghệ luôn. Mặc dù, thời điểm 2012, Trương Thanh Hằng đang rất sung sức, đầy nhiệt huyết.

Hiện tại, Tổng cục TDTT là cơ quan tham vấn cho Bộ VH-TT-DL cùng các bộ, ngành liên quan về dự thảo Nghị định “Quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu”. Nghị định này nhằm cập nhật, bổ sung nâng mới chế độ phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội, khi được ban hành để thay thế cho Quyết định 32/2011/QĐ-TTg.

“Về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu” đã thực hiện từ năm 2011. Việc bàn thảo để có sự thống nhất cao nhất trước khi trình Chính phủ xem xét. Vấn đề bảo hiểm cho HLV, VĐV là một trong những điểm được quan tâm nhiều trong dự thảo Nghị định. Ở 12 điều ở dự thảo Nghị định, vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm lao động và bệnh nghề nghiệp; Chế độ đối với HLV, VĐV bị ốm đau, thai sản trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu; Chế độ đối với HLV, VĐV bị tai nạn lao động khi tập luyện, thi đấu... đã được bàn luận nhiều.

Dự thảo Nghị định về cơ bản đã hoàn tất và lúc này và sau những đóng góp ý kiến từ đại diện các cơ quan bộ, ngành (làm việc ngày 6.10), Tổng cục TDTT tiếp tục tổng hợp để rà soát kỹ lưỡng trước khi Bộ VHTTDL trình Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn