MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ World Cup nữ 2023, định hướng phát triển bóng đá nữ Việt Nam cần sự quan tâm và đầu tư lâu dài. Ảnh: Quý Lượng

Để mối quan tâm với bóng đá nữ không là nhất thời

TAM NGUYÊN LDO | 18/08/2023 06:26

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vào ngày 15.8, biểu dương tinh thần thi đấu, chia sẻ cùng thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung về những khó khăn. Bên cạnh đó là những điều hạn chế được chỉ ra cụ thể, với “hạn chế về thể hình, thể lực, kinh nghiệm, đấu pháp và sự đầu tư cho bóng đá”.

Sự trải nghiệm đáng giá không chỉ với cầu thủ mà còn cho các nhà quản lý

Tuyển nữ Việt Nam trở về với kết quả chưa tốt, nhưng ở góc độ của một nền bóng đá còn đang gặp rất nhiều khó khăn, thành công đến từ khía cạnh trải nghiệm. Đó là sự khác biệt hoàn toàn về đẳng cấp so với tất cả những giải đấu khác, từ SEA Games, AFF Cup cho đến ASIAD.

Đương nhiên, World Cup không chỉ là kinh nghiệm thi đấu cho các cầu thủ, huấn luyện viên mà còn cho các nhà quản lý. Được tiếp cận với những nền bóng đá phát triển, tìm hiểu, học hỏi và rút ra được đâu là lựa chọn đúng, phù hợp với bóng đá nữ Việt Nam.

Cần nhấn mạnh vào tính phù hợp, bởi kể cả khi có tiền để đầu tư nhưng đi sai hướng lại là sự lãng phí.

Nhìn lại cả hành trình, tuyển nữ Việt Nam xứng đáng được tận hưởng những gì thuộc về “đỉnh cao đẳng cấp” đó. Nhưng sẽ phải nhắc đi nhắc lại câu hỏi “làm thế nào” để cơn sóng được tiếp nối bằng một cơn sóng tiếp theo thay vì lên đến đỉnh rồi đổ ập xuống và tan như bong bóng.

Thủ tướng đánh giá tiềm năng của bóng đá rất lớn và chúng ta có quyết tâm trong việc phát triển bóng đá nói chung và bóng đá nữ nói riêng. Nhưng quan trọng là thể hiện quyết tâm đó ra sao? Vẫn cứ phải nhắc lại rằng, bóng đá nam - vốn được quan tâm nhiều, còn chưa thể tự nuôi chính mình, thì phát triển tiềm năng của bóng đá nữ ra sao?

Giới chuyên môn nhìn nhận rất thực tế rằng, cơ hội để đội tuyển nữ đến World Cup là “sáng” hơn so với đội tuyển nam, nhưng yếu tố bền vững mới là cốt lõi.

Và vì thế, việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách phù hợp, đồng bộ, chú trọng phát triển bóng đá nữ từ học đường. Với VFF là các vấn đề về giải vô địch quốc gia, hệ thống các giải trẻ, đào tạo, tập huấn, phân bổ nguồn lực hợp lý, định hướng các câu lạc bộ, địa phương, xây dựng hoặc đề xuất những giải pháp có tính chất chiến lược, căn cơ, đồng bộ, toàn diện, quan tâm, đầu tư, nâng cao chế độ đãi ngộ, phát triển bóng đá nữ trong dài hạn, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho các vận động viên.

... nhưng phải đồng bộ, kiên trì

Đây là những chỉ đạo mang tính đồng bộ, hệ thống, có bề rộng và chiều sâu.

Tuy vậy, để đi vào thực hiện lại không đơn giản. Một lần nữa, sẽ phải nhìn vào kì World Cup nữ năm nay để thấy con đường đầu tư vào phát triển bóng đá nữ cần gì? Bóng đá nội có tạo ra và khai thác được những nét hấp dẫn riêng của môn bóng đá dành cho phái đẹp hay không? Có khiến cho các giải đấu trong nước thu hút hơn cả về số lượng lẫn chất lượng, về tính cạnh tranh như những trận đấu tại Cúp thế giới hay không? Từ đó, yếu tố xã hội hóa mới có thể mở rộng, phát huy.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi sự thay đổi trong ngày một, ngày hai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn