MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thể thao Việt Nam cần sự thay đổi trong tư duy, có những góc nhìn mới để phát triển, nâng cao thành tích. Ảnh: Bùi Lượng

Để nâng cao thành tích thể thao của Việt Nam không chỉ là lý thuyết

TAM NGUYÊN LDO | 16/12/2023 12:47

Để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên các đấu trường lớn trong tương lai, đánh giá, nhìn thẳng vào sự thật và đón nhận những ý kiến trái chiều là rất cần thiết.

Nhìn thẳng, nói thật

Tuần tới, Hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam sẽ được Cục Thể dục thể thao tổ chức. Hôm 7.12, ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị, với một số vấn đề chỉ đạo rất cụ thể.

Thứ nhất, từ tình hình thực tế của thể thao Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, việc nhìn thẳng vào vấn đề để chỉ ra những hạn chế, tồn tại là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, giới chuyên môn sẽ rất chờ đợi ở Hội nghị những vấn đề “hạn chế, tồn tại” được chỉ ra nhiều hơn, cụ thể và chi tiết hơn.

Cần phải thấy rằng, đây là vấn đề của nền thể thao quốc gia, bao gồm cả thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Chấp nhận nhìn vào những thiếu sót, hạn chế, yếu kém, đặt trên bàn cân là sự phát triển của thể thao thế giới, của châu lục, thậm chí cả các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, mới có thể đồng lòng hướng đến các giải pháp.

Thứ hai, nếu như nhìn lại quá khứ bằng góc nhìn thẳng thì phải hướng đến tương lai bằng góc nhìn mới. Như đã nói trên, trong thể thao thế giới đã phát triển đến mức độ rất cao, vừa đáp ứng được tính giải trí, vừa không làm mất đi tinh thần cạnh tranh của thể thao thì với thể thao Việt Nam, đến giờ vẫn phải “xem lại quy trình từ công tác phát hiện, đào tạo, huấn luyện đã chuẩn chưa, đã thực sự tìm ra đội ngũ những người thầy, chuyên gia giỏi cho công tác huấn luyện chưa?”…

Cần hành động

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam, Cục Thể dục thể thao, việc tổ chức Hội nghị lần này rất ý nghĩa, bổ ích, phù hợp và cấp thiết với tình hình thực tiễn, là cơ hội quý để những nhà quản lý, làm chuyên môn tham khảo, lắng nghe, hiến kế, ý tưởng, phương pháp phát triển mới từ các nhà khoa học đầu ngành, là cơ hội để có kiến nghị với Bộ, để Bộ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc…

Tuy nhiên, điều cần thiết nhất vẫn là bắt tay vào hành động sau khi đã thay đổi tư duy. Trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, không ít Hội nghị được tổ chức rầm rộ nhưng sau đó đi vào thực tiễn lại không có sự thay đổi, điều chỉnh, mới mẻ hay đột phá nào.

Giữa năm 2023, Diễn đàn kinh tế thể thao cũng đã được tổ chức với rất nhiều hy vọng làm thay đổi cách vận hành cho thể thao Việt Nam, mang lại nguồn tài chính để “nuôi được chính mình”. Nhưng đã có động thái nào từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan hay chưa? Tất nhiên, với những vấn đề lớn như vậy cần có thời gian để khởi động, nhưng ít nhất, người ta cũng cần thấy sự chuyển động để tin, để lạc quan, và thậm chí có thể đồng hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn