MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Cô gái vàng điền kinh” Đinh Thị Bích. Ảnh: T.L

“Dịch COVID-19 không làm nguội lạnh khát vọng trong tôi”

PHƯƠNG TRANG (thực hiện) LDO | 24/09/2021 06:30
Dù phải thường xuyên luyện tập và thi đấu xa nhà, nhưng “cô gái vàng điền kinh” Đinh Thị Bích luôn cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự ủng hộ và động viên từ gia đình chồng.

So với các đồng đội, Đinh Thị Bích được xem là “bông hoa nở muộn” của làng điền kinh Việt Nam. 22 tuổi, nữ vận động viên quê Nam Định mới có lần đầu tiên tham dự SEA Games 30 diễn ra tại Philippines. 

Thời điểm đó, không phải Đinh Thị Bích mà Khuất Phương Anh mới là nữ vận động viên được giới chuyên môn đánh giá cao ở đường chạy 800m. Thế nhưng với nỗ lực và sự quyết tâm, Đinh Thị Bích đã xuất sắc vượt qua những đối thủ “nặng ký” khác để giành tấm Huy chương Vàng cự ly 800m với thời gian 2 phút 07,16 giây.

Trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quá trình tập luyện và chuẩn bị cho SEA Games 31 của các vận động viên Việt Nam gặp nhiều khó khăn. “Runner” Đinh Thị Bích cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy.

Đã bao lâu rồi chị chưa chạy ở 1 giải đấu chính thức?

- Thực thế là đã hơn 1 năm rồi tôi chưa chạy ở một giải thi đấu chính thức nào cả vì diễn biến và tình hình dịch COVID-19 rất phức tạp trên khắp cả nước. Tôi cũng như các vận động viên khác đều tập chay cả năm nay để duy trì thể lực, phong độ.

Điều đó có làm chị cảm thấy khó chịu?

- Thật ra dùng từ “khó chịu” thì chưa đúng lắm, không chỉ riêng tôi mà các vận động viên khác đều cảm thấy bứt rứt khi chỉ tập chay mà không thể thi đấu. Việc tập chay như thế này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến vận động viên khi không được cọ xát, thi đấu, không biết được mình còn yếu chỗ nào để cải thiện cũng như không căn được điểm rơi phong độ cho những giải đấu quan trọng.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện tại, tôi cho rằng đây là điều mà bản thân phải chấp nhận để đóng góp một phần cho công cuộc phòng, chống dịch của Chính phủ. Tôi rất mong dịch sẽ sớm qua để các giải đấu thể thao được trở lại như bình thường.

Việc tập luyện của chị diễn ra như thế nào thời gian qua?

- Tất nhiên khi không có các giải đấu, vận động viên sẽ chỉ tập chay. Những năm trước, khi các giải đấu được tổ chức bình thường thì vận động viên sẽ có những bài tập cho từng thời điểm, ví dụ như thời điểm trước mỗi giải đấu, chúng tôi sẽ tập vào bài, cố gắng cải thiện thành tích,… nhưng do ảnh hưởng của dịch nên thời gian vừa qua đa phần chúng tôi chỉ tập duy trì thể lực và chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của các vận động viên?

- Theo cá nhân tôi, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến vận động viên cảm thấy rất lo lắng không chỉ chuyện tập luyện mà còn nhiều vấn đề khác. Cũng như những công việc bình thường khác, chúng tôi tập luyện, thi đấu, cố gắng giành thành tích để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, vấn đề cơm áo gạo tiền. Dịch bệnh gây ảnh hưởng đến toàn xã hội khiến cho mọi thứ bị đình trệ. Bản thân vận động viên như tôi cũng không nằm ngoài vùng xoáy ấy.

Vậy còn thu nhập thì sao?

- Thu nhập của một vận động viên ngoài lương cố định thì còn có tiền thưởng, hỗ trợ đến từ các giải đấu nếu thi đấu tốt và đạt thành tích. Đây là một nguồn thu nhỏ giúp chúng tôi trang trải cho gia đình. Ảnh hưởng của dịch khiến các giải đấu không thể tổ chức, phần nào đó trực tiếp gây ảnh hưởng tới thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi không bị giảm lương.

Chị có câu chuyện đáng nhớ nào trong thời gian tập luyện giữa đại dịch này không?

- Chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ có khác một điều là mọi hoạt động ăn uống, tập luyện, sinh hoạt trong “đại bản doanh” Nhổn mấy tháng liền không được ra ngoài, không được đi đâu cả. Nhưng đây lại là cơ hội để tôi được tiếp xúc và giao lưu với những người anh người chị, bạn bè ở các bộ môn khác mà mình chưa từng tiếp xúc bao giờ.

Đây là khoảng thời gian đáng nhớ để sau này khi nhìn lại, nó cũng là 1 phần thanh xuân tươi đẹp của một vận động viên.

Hai năm qua có phải là quãng thời gian đẹp với chị, một tấm Huy chương Vàng SEA Games và một tổ ấm mới?

- Chắc chắn rồi, bởi cả hai đều là những thành công lớn trong cuộc đời của bản thân tôi: đạt được tấm Huy chương Vàng  SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp, tìm được một chỗ dựa vững chắc phía sau đường chạy. Đây là những điều mà tôi rất mong muốn.

Chị và chồng không được thường xuyên gặp nhau, bí quyết để vẫn “giữ lửa” hạnh phúc là gì?

- Do đặc thù nghề nghiệp và ảnh hưởng của dịch bệnh nên 3 tháng qua tôi không có nhiều cơ hội để gặp chồng. Nhưng tôi cảm thấy may mắn khi được chồng, gia đình nhà chồng ủng hộ trong việc tập luyện.

Bật mí bí quyết mà chúng tôi giữ gìn hạnh phúc là sự nhường nhịn. Thực ra chuyện vợ chồng cãi nhau là điều khó tránh khỏi, nhất là khi phải xa nhau nhiều ngày với tâm lý không thoải mái. Nhưng trong những lúc nóng nảy thì một trong 2 người chịu nhường nhịn, bình tĩnh, nói chuyện nghiêm túc với nhau thì mọi chuyện sẽ ổn lại thôi.

Bố mẹ chồng có thường xuyên theo dõi chị thi đấu hoặc đưa ra những góp ý nào để chị hoàn thiện hơn không?

- Tôi cảm thấy rất vui và may mắn khi bố mẹ chồng luôn thấu hiểu và ủng hộ công việc của mình. Bố mẹ hay động viên, cổ vũ tinh thần để tôi cố gắng hoàn thành những mục tiêu trong tương lai. Đó chính là điểm tựa vững chắc nhất để tôi có thể yên tâm tập trung vào chuyên môn của mình.

SEA Games 31 tới đây được tổ chức trên sân nhà, mục tiêu mà chị hướng đến là gì?

- Thực ra để nói về mục tiêu cụ thể ở thời điểm hiện tại là rất khó, bởi từ bây giờ đến SEA Games 31 vào tháng 6 năm sau vẫn còn một khoảng thời gian rất dài. Tôi chưa dám nghĩ đến một tấm Huy chương Vàng vì sẽ còn nhiều yếu tố tác động tới bản thân. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng mình sẽ nỗ lực hết sức để giành được kết quả tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn