MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điền kinh Việt Nam "báo động" tính kế thừa

KHÁNH AN LDO | 13/12/2021 15:30

Việc những cái tên gạo cội như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền hay Nguyễn Văn Lai, Bùi Thị Thu Thảo hay Bùi Văn Sự, Nguyễn Văn Huệ tiếp tục thống trị các nội dung tại giải vô địch quốc gia vừa là tin vui nhưng cũng là nỗi lo của điền kinh Việt Nam.

Sự thống trị của những tượng đài

Trong hoàn cảnh các sự kiện thể thao đều bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh COVID-19, giải điền kinh vô địch quốc gia được diễn ra là nỗ lực lớn của các nhà tổ chức. Đây được xem là kỳ sát hạch, đánh giá quan trọng với các vận động viên, hướng đến SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5.2022. 

Về cơ bản, các vận động viên chủ lực của đội tuyển quốc gia vẫn thể hiện được phong độ tốt. Lê Tú Chinh tiếp tục thống trị 2 đường chạy 100m và 200m nữ. Nguyễn Thị Oanh còn làm tốt hơn như thế khi cô giành 3 Huy chương Vàng ở các nội dung 5.000m nữ, 3000m nữ chướng ngại vật và 1.500m nữ. Riêng ở nội dung 5.000m nữ, cô đã phá kỷ lục tồn tại 18 năm qua ở giải vô địch quốc gia.

Nguyễn Thị Oanh vô địch ở 3 nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m chướng ngại vật. Ngoài ra, cô còn phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 5.000m. Ảnh: Minh Anh

Ở nội dung đi bộ 20.000m nam, Nguyễn Thành Ngưng bảo vệ thành công ngôi vô địch với thời gian 1 giờ 33 phút 22 giây 06. Đặc biệt, thành tích này giúp nam vận động viên người Đà Nẵng tự phá kỷ lục quốc gia do chính anh xác lập tại giải vô địch quốc gia 2019 là 1 giờ 36 phút 09 giây. 

"Lão tướng" Nguyễn Văn Lai tiếp tục giành tấm Huy chương Vàng nội dung 5.000m nam. Vận động viên 35 tuổi đã có 12 lần vô địch ở cự ly này tại các giải vô địch quốc gia. Chân chạy Nguyễn Thị Huyền dễ dàng lên ngôi vô địch nội dung 400m và 400m rào nữ. “Bà mẹ một con” khiến nhiều người hâm mộ thán phục với những bước chạy mạnh mẽ như thuở đôi mươi.

Một số vận động viên kỳ cựu khác cũng đảm bảo thành tích tốt như Bùi Thị Thu Thảo giành Huy chương Vàng khi trở lại ở nội dung nhảy xa nữ, Bùi Văn Sự vô địch 10 môn phối hợp, Nguyễn Văn Huệ lên ngôi nội dung nhảy sào nam...

Dấu hỏi cho tính kế thừa

Tuy nhiên, đặc điểm chung của hầu hết vận động viên nói trên chính là việc họ đã khẳng định được thành tích của mình suốt nhiều năm qua và hầu như không có đối thủ cạnh tranh. Nguyễn Văn Lai đã 35 tuổi, nội dung 5.000m nam đã 12 lần xướng tên anh ở giải vô địch quốc gia, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. 

Những Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thành Ngưng hay Nguyễn Thị Huyền dù không còn trẻ nhưng chưa thấy ai trở thành đối trọng thực sự của họ. Các vận động viên trẻ hơn như Trần Nhật Hoàng, Mỹ Tiên hay Tú Chinh có lẽ cũng sẽ nối dài chuỗi thành tích của mình, trừ khi họ… không thể dự giải.

Tín hiệu vui hiếm hoi đến từ đường chạy 1.500m nam, Trần Văn Đảng đã vượt qua vận động viên kỳ cựu Dương Văn Thái để giành tấm Huy chương Vàng. Vận động viên người Hà Nội đang trở thành niềm hy vọng mới cho điền kinh Việt Nam trước thềm SEA Games 31 trên sân nhà.

Chân chạy kỳ cựu Nguyễn Văn Lai vẫn miệt mài ở đường đua 5.000m. Ảnh: Minh Anh

Trao đổi với Lao Động, nhà báo Nguyễn Lưu cho biết: “Thời điểm hiện tại, điền kinh Việt Nam "báo động" tính kế thừa. Trong thể thao, chuyện tài năng lên xuống theo sơ đồ hình sin là điều hết sức bình thường. Thể thao là lĩnh vực đặc biệt, tài năng thể thao không phải cứ muốn là có được. Thậm chí, có thời điểm rất nhiều tài năng, nhưng cũng có lúc lại không có  gì đặc sắc. Môn thể thao nào cũng xảy ra hiện tượng này và điền kinh thì không phải là ngoại lệ”.

Theo ông Lưu, ngôi sao sáng nhất tại giải đấu năm nay chính là Nguyễn Thị Oanh khi phá kỷ lục tồn tại suốt 18 năm. Với một vận động viên nữ thì việc tập luyện và thi đấu ở một nội dung như 5.000m hay 10.000m là rất khó, phải hy sinh rất nhiều và chấn thương luôn thường trực. Với những thành tích mà Oanh đạt được, đây là là một điều thật sự tuyệt vời.

Ở tầm nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục thể thao) - nói: “Bộ môn bơi lội, điền kinh hay bất kỳ môn thể thao nào cũng cần tính kế thừa, không thể chỉ sống bằng hơi thở của mộ vận động viên duy nhất.

Ngành thể thao phải đào tạo được lứa kế cận, chứ không thể mãi trông chờ vào việc cá nhân nào mãi giành huy chương. Tất nhiên, điều này không hề dễ dàng với thể thao thành tích cao của Việt Nam trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn