MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều bóng đá Việt Nam cần

Lê Vinh LDO | 02/03/2024 05:30

Một trong những điều bóng đá Việt Nam cần là trong lúc có thể chê trách, chỉ trích người khác thì cũng nên biết lắng nghe điều họ nói về mình.

Bóng đá Việt Nam cần những trận đấu như Thép Xanh Nam Định gặp Hà Nội FC trên sân Thiên Trường hôm 28.2 vừa qua. Một trận đấu giàu cảm xúc, đặc biệt là những phút bù giờ, với 3 bàn thắng trong khoảng thời gian đó. Với những người trung lập, với những người làm bóng đá, thứ cảm xúc đó đủ để giúp bóng đá Việt Nam thu hút sự quan tâm hơn, qua đó giúp các đội bóng có thêm nguồn thu.

Nhưng đáng tiếc, những trận đấu kiểu như vậy không nhiều. Xét cho cùng, bóng đá mang lại cảm xúc và sự tận hưởng. Một trận đấu hay về diễn biến - kể cả đội nhà có thua, vẫn đáng giá và dễ chấp nhận hơn sự nhạt nhòa, thiếu cảm xúc và quá tính toán.

Nhưng bóng đá Việt Nam cũng cần đội ngũ trọng tài chủ động và quyết đoán hơn, tự tin hơn trong các quyết định của mình. Ở các trận đấu có sự trợ giúp của VAR, cảm giác như họ đang quá phụ thuộc vào VAR, cũng giống như đa phần câu lạc bộ với lối chơi phụ thuộc vào ngoại binh vậy.

Đành rằng, VAR được áp dụng với mục đích “ưu tiên sự chính xác”, nhưng khi đến cả pha bóng bắt việt vị đơn giản nhất mà cũng phải chờ “Đang kiểm tra VAR” thì rõ ràng là cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng - và cả sự tự tin, của đội ngũ trọng tài.

Mới đây, Huấn luyện viên Philippe Troussier có trả lời báo chí Nhật Bản (không phải Việt Nam), để nói về những vấn đề của bóng đá Việt Nam. Với đại ý rằng, do chưa hiểu rõ các vấn đề trong nội tại tập thể đội bóng, nên ông cho rằng, dư luận Việt Nam chưa phân định rõ yếu tố tập thể lẫn cá nhân trong lối chơi, dễ dẫn đến những lời chỉ trích.

Có thể ông Troussier không “khéo” như người tiền nhiệm trong cách tiếp xúc truyền thông hay nhận xét về bóng đá Việt Nam, nhưng đã bao giờ chính chúng ta có cái nhìn thực sự khách quan trước khi đưa ra bất kỳ lời phản biện nào?

Thành công trong một giai đoạn ngắn và sự vuốt ve của truyền thông, mạng xã hội khiến chúng ta cố tình lờ đi những vấn đề của mình, để không sẵn sàng “chịu đau đớn” khi phải cựa mình mà thay đổi…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn