MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch CLB Thanh Hóa - Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: H.A

Độc tài kiểu Bartomeu, dân chủ kiểu... bầu Đệ

ĐỨC MINH LDO | 15/09/2020 07:15

Chủ tịch Josep Bartomeu và bầu Đệ, cách quản trị đội bóng và những điểm tương đồng trong câu chuyện của Barca với đội bóng xứ Thanh…

Quản trị độc tài hay dân chủ?

Bóng đá Thanh Hóa nổi tiếng với khẩu hiệu căng to giữa sân: “Tài sản lớn nhất của CLB là người hâm mộ”. Bầu Đệ cũng từng nói, ban lãnh đạo luôn lắng nghe hội cổ động viên, nhân dân và lãnh đạo để góp ý với HLV việc tổ chức đội bóng. Nghĩa là, cổ động viên xứ Thanh được tôn trọng, được bày tỏ ý kiến và có sức ảnh hưởng rất mạnh đến nội tình đội bóng.

Điều này phần nào giống với chuyện ở tít trời Âu, chính xác là xứ Catalan với những khán đài Camp Nou rực lửa. Barcelona tự hào về mô hình cổ động viên làm chủ, với 110.000 hội viên đóng góp kinh phí và xây dựng các chính sách. Thậm chí, họ có quyền tham gia bầu cử chủ tịch, tạo cảm giác dân chủ đúng nghĩa.

Điểm chung dễ thấy nhất giữa ông bầu Nguyễn Văn Đệ và Chủ tịch Barca, Josep Bartomeu là phương cách quản trị đề cao tính “dân chủ”... trên lý thuyết. Còn thực tế điều hành lại cho thấy rằng, cái chất “độc tài” hiện hữu ở 2 đội bóng này dù là theo những kiểu khác nhau.

Thực tế, Bartomeu thâu tóm mọi quyền lực kể từ khi tái đắc cử vào năm 2015. Các hội viên có quyền bầu Chủ tịch nhưng không thể can dự vào ban lãnh đạo, mặc nhiên cho Bartomeu xây dựng, tập trung quyền lực. Chọn ai, loại bỏ ai, mua bán cầu thủ, chi tiêu tài chính đều là chuyện riêng của Bartomeu và những người thân tín, đến cả Messi là biểu tượng của đội bóng còn bị “ngó lơ” chứ đừng nói các cổ động viên.

Còn ở Thanh Hoá, dân chủ đôi khi lại dễ dàng đến mức khó tin. Bầu Đệ có thể lắng nghe bất kỳ ai để đưa ra một quyết định, đôi khi là không cần tham vấn những người chịu trách nhiệm. Câu chuyện đồn thổi trong cộng đồng những người yêu bóng đá xứ Thanh về một “tổ tư vấn” hay “ban chuyên môn” vẫn bị xem là căn nguyên của những rắc rối trong nội tình Thanh Hoá.

Và 2 công văn gần đây nhất ban lãnh đạo đội bóng gửi ban huấn luyện có nội dung liên quan đến công tác chuyên môn của huấn luyện viên trưởng không khỏi khiến nhiều người băn khoăn. Nếu huấn luyện viên Nguyễn Thành Công thay người phải chờ sự đồng thuận của trợ lý, vậy khi thua các trợ lý có chịu trách nhiệm cùng ông Công, hay người ra đi vì sự độc tài pha lẫn… dân chủ của bầu Đệ vẫn chỉ là huấn luyện viên trưởng?

Tình yêu và chuyện “mua pháo cho người ta đốt”

Bầu Đệ có thể coi là ví dụ tiêu biểu cho việc các chủ tịch can thiệp vào chuyên môn ở V.League với tuyên bố: “Huấn luyện viên không thể tách biệt chuyên môn với hội đồng quản trị. Nếu không, tôi khác gì mua pháo cho họ đốt”.

Lời chia sẻ rất thật và thẳng này thật khó là nói để sai, thế nhưng nếu xét kỹ, đó chỉ là góc nhìn từ một phía. Chi hàng trăm triệu tiền lương, thưởng cho một HLV, lãnh đạo nếu tin thì hãy dùng. Các vị chiến lược gia hàng đầu như Mourinho, Pep Guardiola cũng “đốt” hàng trăm triệu bảng (con số hàng nghìn tỉ VNĐ) nhưng cũng chưa chắc đạt kết quả như ý. Đổi lại, họ có thể phải nhận trát sa thải, đó là nguyên tắc làm việc thông thường.

Trong cách quản lý của bóng đá Thanh Hóa của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, người ta phần nào giống với điều hành doanh nghiệp, với những văn bản và báo cáo chiến lược lâu dài. Phương pháp này là quy chuẩn chung nhưng rất khó để áp đặt vào lĩnh vực nhiều đặc thù như bóng đá. Ngay cả tài chính trong bóng đá cũng rất nhạy cảm.

Nếu coi việc “đốt pháo” ấy là một canh bạc thì “pháo nổ”, cả huấn luyện viên và câu lạc bộ, rồi ông chủ tịch đều được hưởng lợi. Nhưng nếu “pháo đốt” xịt, câu lạc bộ mất không ít, nhưng chính uy tín, danh tiếng của huấn luyện viên kia cũng “tan tành” theo… quả pháo. Cái dở của bầu Đệ chính là việc ông cầm đuôi quả pháo chứ không cầm dây dẫn cháy. Sự độc tài khiến ông bầu này thường xuyên chịu trận, dù “pháo” chưa chắc là do ông “đốt”. Khi người lãnh đạo tối cao sai lầm, đương nhiên hệ luỵ kéo theo rất lớn, như những gì mà Thanh Hoá đang gặp phải.

Quay lại thời điểm tháng 12.2013, nội bộ Barca từng dậy sóng bởi mâu thuẫn giữa Messi và Phó Chủ tịch tài chính - Javier Faus. Cụ thể, Javier Faus lỡ tuyên bố rằng có thể không cần cố tăng lương, gia hạn với Messi trong khi đội còn nhiều cầu thủ giỏi. Đáp trả lời lẽ của vị Phó Chủ tịch tài chính, M10 có phát ngôn rất thẳng thắn: “Faus chẳng biết quái gì về bóng đá. Ông ta đang cố gắng biến Barca thành một doanh nghiệp nhưng đây là một câu lạc bộ bóng đá”.

Câu nói này phần nào phản ánh đúng thực trạng của Barca hiện nay và câu chuyện của Thanh Hóa bây giờ. Javier Faus đã “về vườn” nhưng Bartomeu cũng lấy kinh tế làm đầu, lấn át các giá trị truyền thống. Còn với bầu Đệ và Thanh Hóa, sự kiểm soát quá đà của ban lãnh đạo khiến nhiều ông thầy “bỏ chạy”.

Dẫu cho tất cả đều xuất phát từ tình yêu, hy vọng giúp CLB phát triển lớn mạnh cùng thành tích tốt. Nhưng cũng không thể vì thế, bất cứ ai được phép áp đặt tư duy quản trị “phản bóng đá” và lấy lý do tôn trọng dân chủ để che đậy cho sự độc tài. Nếu coi câu lạc bộ là một doanh nghiệp, doanh nghiệp ấy vẫn cần có giá trị cốt lõi. Ở đây, đó chính là bóng đá!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn