MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LPBank Hoàng Anh Gia Lai không thắng ở vòng 4 V.League 2023-2024 sau khi đổi tên. Ảnh: VPF

Đổi tên câu lạc bộ và chuyện ngoại lệ ở V.League

TAM NGUYÊN LDO | 08/12/2023 07:09

Trong Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2023) của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ở mục 4 của Điều 8 về Tên, biểu trưng và logo, có ghi: “Câu lạc bộ không được đổi tên trong khi mùa giải đang diễn ra”. Nhưng tính đến thời điểm này của mùa giải 2023-2024 tại Night Wolf V.League, đã có đến 3 đội bóng được chấp thuận đổi tên theo diện “ngoại lệ”.

Quy chế không cho nhưng có ngoại lệ

Ngày 6.11, Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai có văn bản gửi lên VFF xin cấp phép đổi tên. Trước đó ít ngày, đội bóng của ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã tổ chức lễ ký kết hợp tác với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), đồng thời quyết định đổi tên đội thành LPBank Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, trong đề nghị đầu tiên đó, VFF đã không chấp nhận.

Phía Hoàng Anh Gia Lai sau đó tiến hành thủ tục để xin cấp phép theo diện ngoại lệ.

Ngày 21.11, sau khi được Bộ Quốc phòng phê chuẩn, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tổ chức công bố quyết định đổi tên Câu lạc bộ Viettel thành Thể Công Viettel.

Sự trở lại của cái tên Thể Công được người hâm mộ đội bóng áo lính hào hứng đón nhận. Bằng cách nào VFF chấp thuận cho sự thay đổi ở đội bóng ngành quân đội thì không bàn, nhưng chỉ 1 ngày sau đó, Hoàng Anh Gia Lai được chấp thuận đổi tên. Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 1.12, đến lượt Câu lạc bộ Quy Nhơn Bình Định được chấp thuận đổi thành MerryLand Quy Nhơn Bình Định. Nghĩa là trong vòng hơn 10 ngày, 3 đội bóng ở V.League đổi tên - riêng đội bóng đất Thủ đổi tên 2 lần trong năm nay. Đương nhiên, tất cả đều hiểu đây là ngoại lệ.

Nên bỏ quy định?

Ở góc độ thuật ngữ, “ngoại lệ” chỉ dành cho số ít, nhưng đến 3 trong số 14 đội bóng đang thi đấu tại Night Wolf V.League hiện tại - tỉ lệ khoảng gần 30%, lại không phải chuyện ngoại lệ nữa. Dĩ nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc đổi tên hay không không phải là lỗi hay chuyện đúng, sai của câu lạc bộ. Vì trong bối cảnh hiện tại, những khó khăn tài chính với họ là điều thấy được, để phải tìm kiếm các nhà tài trợ mới.

Như Hoàng Anh Gia Lai chẳng hạn, 22 năm thi đấu chuyên nghiệp dưới sự đầu tư của bầu Đức, nhưng ông cảm thấy rằng, giai đoạn này cần có thêm đối tác để cùng hỗ trợ, đầu tư cho sự phát triển của câu lạc bộ, đào tạo thêm cho bóng đá Việt Nam nhiều cầu thủ giỏi.

Khi khả năng trong tương lai không xa vẫn còn các câu lạc bộ khác có nhu cầu đổi tên - vì nhiều đội còn khó khăn về tài chính chứ không đơn thuần là lấy lại cái tên của một thời quá khứ, hoặc khi đơn vị tài trợ hiện tại kết thúc sự hợp tác - thì dĩ nhiên VFF vẫn phải chấp thuận (nếu câu lạc bộ đảm bảo các yêu cầu thủ tục) ở khía cạnh “ngoại lệ”.

Vậy nên chăng, trong lần sửa đổi tiếp theo của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, hoặc là bỏ đi “điểm 4” nói trên, hoặc cần có điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tế, để không có chuyện vừa khẳng định “không được” nhưng vẫn có “ngoại lệ”. Mà nếu có ngoại lệ, sẽ chỉ là 1.

Thực ra, bóng đá Việt Nam vẫn đang hoạt động với nhiều “ngoại lệ” ở các điểm, các khía cạnh khác. Nhưng để thực sự chuyên nghiệp, cần sự điều chỉnh và cố gắng của tất cả các bên cho mục tiêu chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn