MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vừa qua bóng đá phong trào có nhiều bước phát triển. Ảnh: PT

Đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam: Hỏi thẳng, chờ đáp thật

GIANG ANH LDO | 12/01/2018 09:29

Những câu hỏi trực diện được đặt lên bàn ở buổi đối thoại được chờ đợi như là “Hội nghị Diên hồng” cho BĐVN không phải để đổ lỗi, quy trách nhiệm mà nhìn thẳng vào thực trạng để hành động, thay đổi…

Sau hội nghị sơ kết 4 năm “Chiến lược phát triển BĐVN đến 2020, tầm nhìn 2030” thất bại với hàng loạt câu hỏi trực diện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với những người liên quan, có trách nhiệm với thực trạng của bóng đá Việt nhưng không có câu trả lời, buổi hội thảo “Đối thoại phát triển BĐVN” sẽ được tổ chức vào ngày 13.1 này.

Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về việc tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia, cựu cầu thủ và HLV, quan chức bóng đá cũng như đại diện các CLB, khán giả, nhà báo… Văn phòng Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết mong muốn thay đổi và phát triển BĐVN.

Ngày 8.1, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi đến Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, Liên đoàn BĐVN - VFF, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF nội dung các câu hỏi để chuẩn bị cho buổi đối thoại về phát triển BĐVN.

Theo tinh thần của hội thảo và đối thoại này, các bên liên quan sẽ phải trả lời trực tiếp, có sự chủ trì, giám sát để đạt hiệu quả cao nhất. Lao Động xin được tóm lược một số câu hỏi mà lần lượt Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, VFF và VPF sẽ phải trả lời.

Xương sống của nền bóng đá: Giải chuyên nghiệp

Hệ thống giải chuyên nghiệp lại làm ngược với thông lệ quốc tế, tức là giải hạng Nhất có ít đội bóng hơn V.League, giải hạng Ba ít đội bóng hơn giải hạng Nhì. Tại sao tồn tại thực trạng và nghịch lý này? Có liên quan đến lợi ích nhóm, quyền lợi cá nhân không? Quan điểm của Bộ VHTTDL có kiên quyết “nắn” lại phù hợp không?

Có cần thay đổi quy định, thể thức thi đấu và giải VĐQG có nhiều đội xuống hạng hơn?

Một trong những lý do các giải phong trào hấp dẫn, thu hút nhiều khán giả là ít tiêu cực hơn. Giải VĐQG hiện nay chưa hấp dẫn khán giả vì nhiều lý do và một lý do quan trọng là còn tiêu cực. Nguyên nhân chưa sạch là gì? Bộ VHTTDL, VFF có đồng ý với đánh giá đó không? Có kiên quyết chấn chỉnh, làm sạch không?

Tình trạng dàn xếp tỉ số giữa các đội, bán độ của cá nhân và nhóm cầu thủ ở các giải chuyên nghiệp có còn tồn tại hay không? VFF phối hợp các cơ quan chức năng xử lý như thế nào?.

Thực tế trên thế giới một người sở hữu hoặc tham gia sở hữu nhiều đội bóng nhưng có quy định, luật chơi rõ ràng mà ví dụ là Thái Lan với Bia Chang đồng sở hữu 5 CLB. Ở Việt Nam dư luận đều cho rằng cũng có một người sở hữu, đồng sở hữu nhiều đội bóng. Vậy Bộ VHTTDL, VFF có cùng đánh giá đó không? Nếu có thì là ai và các CLB nào? Có cách nào mà dù một người chi phối nhiều đội bóng nhưng khắc phục được câu chuyện “vỗ vai, chia điểm” hay không? Nếu cần, để khắc phục và đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, có sẵn sàng trước mắt chỉ tổ chức V.League với một số rất ít đội đủ điều kiện tham dự hay không?

Nhiều đội bóng chưa đáp ứng Quy chế bóng đá chuyên nghiệp nhưng vẫn tham gia V.League và việc Quảng Nam không được tham dự AFC Cup là minh chứng. VFF, Tổng cục TDTT có kiên quyết chấn chỉnh tình trạng “Quy chế một đằng thực hiện một nẻo không”? Nếu có thì kế hoạch, giải pháp như thế nào?

Vai trò của VPF như thế nào? Mối quan hệ giữa VFF và VPF đã hiệu quả chưa? Có phù hợp và cần điều chỉnh gì không?

Gốc rễ của nền bóng đá: Đào tạo trẻ

Ở các nước bóng đá trẻ bắt đầu được các CLB quan tâm do được ràng buộc trách nhiệm cũng như thấy có quyền lợi và VFF có vai trò, trách nhiệm định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ. Vậy VFF đã có những chỉ đạo gì để ràng buộc trách nhiệm của các CLB trong đào tạo cầu thủ trẻ? Liên đoàn đã thể hiện vai trò “định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ” như thế nào?

Trong Quy chế BĐCN quy định các đội bóng chuyên nghiệp phải có trung tâm hoặc học viện bóng đá với 5 lứa từ U.11 đến U.19, việc thực hiện quy định này ra sao? Có hay không việc nhiều đội bóng không đáp ứng quy định này hoặc làm theo kiểu đối phó nhưng vẫn được chấp nhận? Tại sao đề ra các quy định mà không tuân thủ và ai là người phải chịu trách nhiệm?

Mục tiêu gần nhất, thiết thực nhất của BĐVN là SEA Games dành cho lứa U.23, U.22 nên vai trò của bóng đá trẻ càng quan trọng. Quan điểm của Tổng cục TDTT làm thế nào để tập trung vào giải trẻ mà trực tiếp là U.22 này? Mục tiêu SEA Games có liên quan gì đến đào tạo bóng đá trẻ không?

Chiến lược và tầm nhìn BĐVN

- “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030” ban hành từ tháng 3.2013, sau gần 5 năm thực hiện kết quả còn mờ nhạt và theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, các mục tiêu có quá cao không? Có gì cần phải điều chỉnh không? Thời điểm hiện nay cần tập trung ưu tiên vào mục tiêu nào?

- Chiến lược đề ra 5 mục tiêu, 8 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 và 6 chỉ tiêu, 65 nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030. Giai đoạn 2012-2016 có 9 dự án trọng điểm với 5 đề án, 3 dự án, 1 chương trình còn giai đoạn 2016-2020 có 2 chương trình và 1 dự án. Vậy việc tổ chức thực hiện, theo dõi, đôn đốc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, dự án, chương trình trên như thế nào? Các chỉ đạo vừa qua đã quyết liệt chưa? Từng nội dung trong chiến lược đã có kiểm điểm, đánh giá chưa?

VFF

- Tại sao trong phần lớn thời gian của nhiệm kỳ VII, Chủ tịch VFF có vấn đề về sức khỏe, những cam kết khi trúng cử không thực hiện được, ảnh hưởng đến tình hình chung của BĐVN. Nội bộ của VFF bộc lộ nhiều yếu kém, bức xúc phải chăng do “sức khỏe” của VFF không đảm bảo nhưng tại sao Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT không có ý kiến để kiện toàn? VFF tại sao không có phương án xử lý kịp thời để ổn định và bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy?

- Lâu nay có cán bộ của Tổng cục TDTT tham gia vào cơ cấu của VFF, thậm chí nhiều nhiệm kỳ. Đề nghị Tổng cục nói rõ quan điểm này? Nó có phù hợp với quy định của FIFA không? Đó có phải là cách để tăng cường quản lý nhà nước về bóng đá hay không? Mối quan hệ giữa Tổng cục TDTT với VFF có cần phải điều chỉnh gì không? Quan điểm của tổng cục tới đây có tiếp tục cử người tham gia vào một số vị trí không?

- Theo Đề án nhân sự BCH VIII nhiệm kỳ VIII, trong các tiêu chí cho chức danh Chủ tịch VFF, tiêu chí nào là quan trọng, quyết định?

- PCT Thường trực VFF hiện nay là công chức của Tổng cục TDTT được biệt phái sang, đến nay đã 12 năm liên tục, việc này đã phù hợp chưa? Việc đảm nhận nhiều chức danh, có ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc không?

Chân đế của nền bóng đá: Bóng đá học đường và phong trào

- Vai trò quan trọng của bóng đá học đường quan trọng, được đề cập nhiều, song kết quả vẫn rất hạn chế. Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL đã phối hợp triển khai như thế nào?

- Nguyên nhân bóng đá học đường chưa đáp ứng yêu cầu là gì? Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL có thể đưa ra cam kết cụ thể về lộ trình phát triển bóng đá học đường không?

- Bóng đá phong trào luôn được coi là nền tảng và Việt Nam có dân số gần 100 triệu, người dân đam mê bóng đá nên rất thuận lợi để phát triển. Vừa qua bóng đá phong trào có nhiều bước phát triển, tuy chưa đồng bộ nhưng đáng khích lệ do sự phát triển đó là tự phát, tự thân vận động của xã hội. Bộ VHTTDL có quan tâm không và đã làm gì để bóng đá phong trào phát triển? Trong thời gian tới có định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ như thế nào để tiếp tục phát triển theo hướng bài bản, có tổ chức hơn, hiệu quả cao hơn?

Công tác trọng tài

- Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban trọng tài có phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế không? Tại sao FIFA đã gỡ bỏ quy định 45 tuổi phải treo cờ, treo còi mà Việt Nam vẫn áp dụng?

- Công tác phân công trọng tài đã minh bạch chưa? Có hiện tượng một tổ trọng tài được phân công bắt nhiều trận vào cùng một đội bóng ở V.League như HLV Lê Huỳnh Đức phản ánh không?

- Có tình trạng bao che, dung túng cho một số trọng tài không để rồi các sai phạm ngày càng nghiêm trọng hơn? Mọi xử lý của Ban trọng tài đã khách quan hay chưa? Ngược lại, VFF đã làm gì để bảo vệ những trọng tài bị phản ứng quá mức, chưa đúng với bản chất sự việc?

- Hiện nay số lượng trọng tài đã qua đào tạo khoảng 400 người và so với yêu cầu, thực tế vẫn còn thiếu khiến cho VPF phải gửi công văn lên BCH “kêu cứu”. Vậy để bổ sung đủ số này là trách nhiệm thuộc về ai, kế hoạch thế nào? VFF có chiến lược, kế hoạch đào tạo trọng tài mang tính dài hạn chưa?

- Những năm 2010, Châu Á có 2 học viện trọng tài do Nhật và Thái tự tổ chức. Tại sao những người làm chuyên môn nhiều lần xin thành lập, đi học hỏi mô hình về áp dụng mà VFF chưa có ý kiến trả lời, không áp dụng trong bối cảnh BĐVN đặc biệt cần và thành viên Ban trọng tài đã gửi kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay cũng chưa được trả lời? Trách nhiệm trả lời, giải quyết thuộc về tổ chức, cá nhân cụ thể nào?

Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất SEA Games 31 sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn xã hội hoá

Ngày 11.1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác văn hoá, thể thao và du lịch năm 2018, Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã có kiến nghị trong báo cáo của mình về việc xin đăng cai SEA Games 29 của TPHCM, đề nghị Chính phủ có ý kiến. Theo nội dung tờ trình của TPHCM, việc tổ chức SEA Games 31 sẽ dùng nguồn kinh phí xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia góp sức. TPHCM sẽ tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao đáp ứng các yêu cầu của đại hội, hạn chế tối đa sử dụng ngân sách Nhà nước để xây dựng các công trình thể thao.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngân sách Trung ương không có tiền cho xây dựng cơ sở vật chất để đăng cai SEA Games 31. Ông nói: “Việc đăng cai SEA Games là việc tuần tự, kiểu gì chúng ta cũng phải làm. Thế nhưng tinh thần của Chính phủ là ngân sách Trung ương không có tiền cho xây dựng cơ sở vật chất. Đề nghị Bộ VHTTDL làm việc cụ thể với TPHCM về vấn đề này”.

TPHCM cần hơn 15.600 tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và tổ chức trực tiếp sự kiện. Tuy nhiên, nếu được chấp thuận đăng cai SEA Games 31, nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất mới sẽ do đơn vị này tự túc từ nguốn lực xã hội hoá. Ngân sách của Nhà nước chỉ đáp ứng cho việc tổ chức sự kiện.

Năm 2003, Việt Nam đăng cai SEA Games 22 với tổng kinh phí 5.000 tỉ đồng, trong đó việc xây mới sân Mỹ Đình chiếm 1.000 tỉ đồng, xây cung thể thao dưới nước là 800 triệu đồng. Singapore tổ chức SEA Games 28 tiêu tốn 240 triệu USD, Myanmar tổ chức SEA Games 27 với gần 400 triệu USD, Indonesia đăng cai năm 2011 với hơn 300 triệu USD. ĐĂNG HUỲNH

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn