MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đối thủ của thầy trò HLV Hữu Thắng là... chính mình

GIANG ANH LDO | 08/08/2017 06:20
Chúng ta luôn nhắc đến Thái Lan, chủ nhà Malaysia… nhưng quên mất rằng, thực ra đối thủ lớn nhất U.22 Việt Nam cần chiến thắng là… chính mình.

Những lần gục ngã cay đắng

Cho đến tận bây giờ, nhắc lại thất bại bẽ bàng trước Indonesia ở bán kết AFF Cup 2016, HLV Hữu Thắng vẫn không giấu được sự cay đắng. Thất bại đó nằm ngoài những toan tính chuyên môn của ĐTVN, đến từ những sai lầm cá nhân theo cách không thể lý giải.

Trận lượt đi, ĐT Việt Nam chơi tốt trên đất Indonesia, sớm có bàn gỡ hòa từ chấm phạt đền của Văn Quyết và có thế trận vững vàng trước sức ép rất lớn từ đội chủ nhà, sau khi thủng lưới từ rất sớm. Thế nhưng một sai lầm của Quế Ngọc Hải dẫn đến quả penalty và ĐT Việt Nam thua 1-2.

Với những gì đối thủ thể hiện, so sánh về chuyên môn và lợi thế 1 bàn trên sân khách, thầy trò HLV Hữu Thắng nắm nhiều ưu thế trong tay. Thực tế, trận đấu diễn ra một chiều và Indonesia gần như chỉ biết căng mình ra chịu trận, không lên nổi bóng và bàn thắng gần như chỉ là vấn đề thời gian. Thế nhưng các cơ hội cứ lần lượt trôi qua mũi giầy của các cầu thủ áo đỏ và bi kịch nhất, ĐT Việt Nam lại “bắn vào chân mình”, với một bàn thua theo kịch bản khó tin nhất ở phút 54...

Thất bại đó không phải do đối thủ xuất sắc, hay hơn, mà bởi ĐT Việt Nam “tự thua”. Cái thua đó, cơ bản giống như trận thua “không thể tin nổi” ở bán kết SEA Games 2015 của thầy trò HLV Miura.

Nhìn lại hai lần gục ngã ở bán kết AFF Cup và SEA Games gần nhất, rồi trước đó là thất bại ở SEA Games 2013 không qua nổi vòng bảng, hay trận hòa 1-1 với sai lầm khó tin của đội trưởng Minh Đức ở trận ra quân với Myanmar tại AFF Cup 2012 kéo theo sự suy sụp của cả hệ thống, đó đều là những thất bại có chung một kịch bản, theo kiểu “tự sát”.

Vấn đề của HLV Hữu Thắng

“Không vô địch SEA Games, tôi sẽ từ chức”. Hơn một lần, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức tuyên bố công khai. Thậm chí, ông Đức còn ý kiến rằng không chỉ ông, lãnh đạo VFF cũng nên nghỉ nếu U.22 Việt Nam không vô địch.

Bầu Đức nói với tư cách cá nhân nhưng là Phó Chủ tịch VFF và cũng là nhân vật quyền lực, có ảnh hưởng lớn với bóng đá Việt Nam, thế nên tuyên bố như lời “tuyên chiến” và “đánh cược” đó vô tình tạo thêm những áp lực rất lớn. Nó trực tiếp tác động đến HLV Hữu Thắng và các cầu thủ, trước một giải đấu mà U.22 Việt Nam tự xác định không vô địch là thất bại.

Áp lực quá lớn khiến “cái đầu không điều khiển được đôi chân”, đó cũng chính là vấn đề lớn nhất, bài học đau đớn nhất HLV Hữu Thắng rút ra sau thất bại ở bán kết AFF Cup 2016. Ông không trách hay đổ lỗi cho sai lầm của cầu thủ, bởi đó không phải vấn đề của riêng cá nhân một ai khi sai số không rơi vào trường hợp này thì sẽ là trường hợp khác và bản chất chỉ là hệ quả tất yếu, xuất phát từ thực tế một nền bóng đá mà áp lực xuất hiện từ khắp mọi phía trước mỗi giải đấu khu vực, trong khi cầu thủ không được trang bị cách để đối phó, giải quyết. Giải bài toán “cái đầu” cho các cầu thủ trẻ, đó là mấu chốt cho sự thành bại và đó mới là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất. Và ít nhất đến thời điểm này, cách mà HLV Hữu Thắng đối diện, ứng xử với vấn đề giải tỏa sức ép cho thấy những tín hiệu tích cực mà trường hợp của Công Phượng là một minh chứng.

Chờ HLV Hữu Thắng, ở một kỳ SEA Games mà đối thủ lớn nhất của U.22 Việt Nam lại vẫn là chính mình.

Vô địch SEA Games lần đầu tiên, đó không chỉ là mục tiêu hay ước mơ mà lâu nay giống như một gánh nặng, ám ảnh với cả nền bóng đá. Nó là trọng trách và điều đáng sợ, khi thầy trò HLV Hữu Thắng luôn trong trạng thái bước ra sân với áp lực trong đầu về việc phải chiến thắng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn