MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội tuyển Việt Nam. Nguồn: VFF

Đội tuyển Việt Nam cần trưởng thành cả về tâm lý

TAM NGUYÊN LDO | 10/11/2021 06:00

Bên cạnh vấn đề chuyên môn, sự trưởng thành về tâm lý cũng rất cần thiết với đội tuyển Việt Nam.  

Trong vài năm trở lại đây, đội tuyển Việt Nam đang sở hữu một thế hệ cầu thủ có chất lượng chuyên môn tốt, đồng đều và nhờ sự kết hợp hiệu quả của huấn luyện viên Park Hang-seo, đội đã có kết quả tích cực trên các đấu trường khu vực và châu lục. Tuy vậy, trong sự trưởng thành về chuyên môn để chạm tới một đẳng cấp cao hơn, yếu tố tâm lý trở lại là vấn đề giống như chuyện của những ngày xưa cũ.

Đội tuyển Việt Nam chính thức trở lại đấu trường quốc tế ở SEA Games 1991 để rồi sau đó 2 năm là lần đầu tiên tham dự vòng loại World Cup. Nếu như việc vươn lên tốp đầu trong khu vực Đông Nam Á không phải chuyện quá khó với thế hệ của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Minh Chiến, Hoàng Bửu, Hữu Đang… thời đó thì bước ra sân chơi lớn (vòng loại World Cup) trở thành rào cản khổng lồ về thành tích và đặc biệt là tâm lý.

Những trận thua 0-3, 0-4 là thường xuyên, hay các kết quả còn đậm hơn trước các tên tuổi của bóng đá Châu Á khiến tuyển Việt Nam như “võ sĩ hạng lông” đứng trước những gã khổng lồ. Luôn là cảm giác chịu trận, bất lực.

Điều đó cũng không thay đổi là bao khi bước sang thế kỷ 21, cho dù bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ. Khi vẫn mất rất nhiều năm quanh quẩn với mục tiêu vô địch SEA Games mà vẫn không thể hoàn thành, sức ép luôn đè nặng lên các thế hệ cầu thủ mỗi khi tham gia giải đấu nào đó hoặc vòng loại World Cup.

Các huấn luyện viên ngoại xuất hiện khá sớm ở đội tuyển Việt Nam - bắt đầu từ Edson Tavares năm 1995, mang lại sự tiến bộ về chuyên môn nhưng trong khá nhiều thời điểm quan trọng, điểm yếu tâm lý đã ảnh hưởng đến kết quả.

Tính đến ông Park Hang-seo, các đội tuyển Việt Nam (tuyển quốc gia và U.23) đã có 8 huấn luyện viên ngoại, với 13 lượt (có người dẫn dắt 2 đến 3 giai đoạn). Có thể nói, chứng kiến thế hệ cầu thủ hiện tại, với những Quang Hải, Ngọc Hải, Tuấn Anh, Đình Trọng, Văn Hậu, Văn Thanh, Công Phượng, Xuân Trường… thi đấu với sự chững chạc hơn hẳn.

Đó là kết quả của việc được đào tạo trong môi trường hiện đại hơn, tiếp cận với những công nghệ tiên tiến hơn và tư duy bóng đá cũng thay đổi. Thành quả là bóng đá Việt Nam để lại những tiếng vang lớn. Nếu không nói đến bóng đá trẻ, nơi sự phân cấp chưa lớn, thì với đội tuyển quốc gia, các trận đấu với những đối thủ mạnh như Jordan, UAE, Iran, Yemen, Iraq không còn là nỗi sợ hãi nữa.

Không những thế, tuyển Việt Nam còn có các trận thắng, để khẳng định sự tiến bộ về chuyên môn. Vượt qua vòng loại thứ hai để lần đầu tiên hiện diện tại vòng loại thứ ba World Cup là minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, đến với sân chơi ở cấp độ lớn hơn này, thầy trò Park Hang-seo dường như còn lúng túng trong việc xác định tâm thế. Các trận đấu đã qua ghi nhận nỗ lực của các cầu thủ, nhưng khi sự thoải mái và vấn đề xác định rõ tâm thế đã không còn, phản ứng thường đi theo diễn biến thế trận chứ không phải sự chủ động cần có.

Ở đây không nói tuyển Việt Nam sợ đối thủ, vấn đề là đôi khi chưa cụ thể trong việc đánh giá, dẫn đến phân vân giữa lựa chọn tấn công hoặc phòng ngự. Và đương nhiên, nó cũng kéo theo sự nửa vời khi triển khai.

Thứ nữa, thứ tâm lý mà nhiều người nói đến nhất - và gây hậu quả đáng tiếc nhất, là mang bóng đá của V.League ra sân chơi lớn. Một động tác thừa, một trò tiểu xảo là không thể thoát giữa môi trường VAR. Thậm chí, ngay cả khi trọng tài có bỏ qua thì chính người hâm mộ cũng phản ứng mạnh mẽ trước những hành động như vậy…

Trưởng thành về chuyên môn cũng cần lớn mạnh cả về tâm lý, ý thức, để ít nhất không rời cuộc chơi mà chỉ để lại những điểm trừ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn