MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngôi sao của ĐT Việt Nam tạo sức hút lớn cho người dân địa phương. Ảnh: Hoài Thu

Đội tuyển Việt Nam - U22 Việt Nam: Cầu thủ đến gần hơn với người dân địa phương

Đăng Huỳnh LDO | 29/12/2020 08:32
Cơn sốt mang tên bóng đá ở Phú Thọ thêm một lần nữa cho thấy sức hút của đội tuyển Việt Nam khi đến các địa phương.

Từ cơn sốt ở Phú Thọ

Đội tuyển Việt Nam đã tạo ra một cơn sốt bóng đá tại Phú Thọ. Theo ghi nhận của phóng viên, sân vận động Việt Trì đã không còn chỗ trống ở trận đấu giữa tuyển Việt Nam và U.22 diễn ra tối 27.12. Sân bóng có sức chứa gần 20.000 chỗ ngồi đã không thể đáp ứng nhu cầu của người dân Phú Thọ. Trước đó, một cơn sốt vé đã được tạo ra khiến cho thị trường “chợ đen” sôi động. Điều này cho thấy người dân Phú Thọ rất khao khát được chứng kiến các cầu thủ ĐT Việt Nam thi đấu.

Trên các khán đài, nhiều khán giả không quan tâm nhiều đến chất lượng chuyên môn của trận đấu. Họ nói chuyện và chỉ tên các ngôi sao trên sân, những người mà trước đây chỉ thấy trên truyền hình. Giá trị của mỗi tấm vé vào sân là được chứng kiến các thần tượng bóng đá thi đấu. Những người dân ở các địa phương được xem trực tiếp các trận đấu của đội tuyển Việt Nam không nhiều, chính vì thế đấy là cơ hội hiếm có.

Có nhiều người dân, mang theo đồ ăn xếp hàng từ 5h00 sáng để mua vé. Họ thậm chí đến sân trước nhiều giờ đồng hồ để được chứng kiến các thần tượng. Chỉ một buổi tập của ĐT Việt Nam cũng thu hút đông đảo khán giả đến sân. Đó là điều mang đến một không khí bóng đá thực sự ở địa phương này.

Ông Nguyễn Đắc Thuỷ - Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết, trận đấu giữa 2 đội Việt Nam mang đến nhiều ý nghĩa. Lâu lắm rồi Phú Thọ mới nhận được nhiều sự chú ý đến như vậy chỉ thông qua một trận bóng đá, điều này sẽ càng cổ vũ phong trào bóng đá nơi đây phát triển. Bên cạnh đó, Phú Thọ sẽ đăng cai bảng đấu môn bóng đá nam SEA Games 31 của U.22 Việt Nam. Sau trận đấu này, địa phương đã có thêm kinh nghiệm tổ chức với những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn, an ninh, hậu cần… Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng sẽ phải sửa chữa, khắc phục những hạng mục còn thiếu để đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất đăng cai các trận đấu quốc tế.

Đưa đội tuyển về với người dân

Trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo VFF cho biết, qua làm việc và triển khai công tác tổ chức trận đấu với Phú Thọ, có thể thấy rằng, kinh nghiệm tổ chức các trận đấu là điều mà các địa phương cần được hỗ trợ khi tổ chức các trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Phải có nhiều các trận đấu hơn nữa thì các địa phương mới làm quen với công tác tổ chức; sau trận đấu này, Phú Thọ đã có thêm những kinh nghiệm quý giá để chuẩn bị cho SEA Games 31.

Cũng thông qua trận giao hữu này có thể thấy sức hút mà tuyển Việt Nam tạo ra ở các địa phương là rất lớn. Việc thường xuyên đưa các đội tuyển về thi đấu ở các địa phương là điều cần thiết để thúc đẩy, phát triển phong trào. Các cầu thủ đến gần hơn với người dân địa phương sẽ là cơ hội để nâng cao hơn nữa thương hiệu đội tuyển quốc gia.

Qua việc tổ chức như thế, các địa phương cũng sẽ có ý thức nâng cao hơn nữa cơ sở vật chất, công tác tổ chức để đảm bảo đủ kiều kiện và tính chuyên nghiệp. Thực tế, các địa phương muốn tổ chức các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam thì phải có cơ sở vật chất đảm bảo. Như Phú Thọ, sau SEA Games 31, hệ thống cơ sở vật chất được nâng cấp, địa phương sẽ được thừa hưởng công trình đó để khai thác. Đó sẽ là điều kiện để thu hút các đội tuyển quốc gia về thi đấu ở địa phương này.

Năm 2015, Quảng Ninh từng đăng cai trận giao hữu quốc tế của U.23 Việt Nam gặp U.23 Myamar. Năm 2016, Cần Thơ từng đăng cai trận giao hữu quốc tế của tuyển Việt Nam gặp câu lạc bộ Avispa Fukuoka (Nhật Bản), còn gần đây nhất Phú Thọ từng đăng cai trận đấu giữa U.23 Việt Nam và U.23 Myanmar năm 2019. Các trận đấu này đều mang đến cơn sốt bóng đá thật sự cho người dân địa phương, tạo ra nhiều giá trị...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn