MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ bằng những khẩu hiệu thôi là chưa đủ để dẹp bỏ những nỗi ám ảnh với người hâm mộ khi đến sân cổ vũ bóng đá. Ảnh: VFF

Đưa vào quy củ văn hoá cổ vũ bóng đá

TAM NGUYÊN  LDO | 17/03/2022 21:32

Không có giá trị tuyệt đối trong văn hóa cổ vũ bóng đá, nhưng cũng không nên để một bộ phận làm ảnh hưởng đến cuộc chơi chung…

Không chỉ là những tiếng chửi...

Việc cổ động viên Hải Phòng đồng thanh chửi trọng tài ở trận đấu với Becamex Bình Dương hôm Chủ nhật (13.3) vừa qua chỉ là một trong số những hành vi đi ngược với những lời kêu gọi về cách cổ vũ văn minh, có văn hóa. Nó còn là chuyện đốt pháo khói, pháo sáng, những cử chỉ tục tĩu, những lời đe dọa hay kể cả là những bản nhạc, những điệp khúc “chói tai” từ cách cổ vũ mang tính trêu ngươi với đối thủ.

Hẳn nhiều người xem truyền hình còn nhớ, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân các đội bóng ở Trung Đông, tiếng nhạc tạo ra từ cổ động viên đội chủ nhà được chính chúng ta miêu tả là “ám ảnh”, “như nhạc đám ma” hay “như tra tấn”. Nhưng chúng ta nói gì về câu hát “Bay lên nào là em bay ra ngoài” từ cổ động viên Việt Nam trên khán đài ở Philippines tại kỳ SEA Games năm 2019?

Chúng ta coi đó là niềm vui, là sự trêu đùa (tất nhiên là người nước khác sẽ không hiểu đó là gì), trong khi chỉ trích cách người khác cổ vũ. Đó cũng không phải là cổ vũ có văn hóa.

Trong khi việc “bị tra tấn” bởi thứ âm thanh chói tai mang đến sự thử thách về khả năng chịu đựng của những cổ động viên đến sân thì một thứ khác còn đáng sợ hơn là pháo khói, pháo sáng. Những người có mặt trên sân Hàng Đẫy vào ngày 11.9.2019 và khán giả xem truyền hình hẳn không thể quên được sự việc xảy ra.

Một vệt khói bay ngang bầu trời Hàng Đẫy, từ khán đài B sang khán đài A. Đó là một quả pháo sáng từ khán đài của cổ động viên Nam Định, khiến một fan nữ bị bỏng nặng… Pháo sáng, hay pháo khói, dù không nổ thì vẫn là nỗi ám ảnh với những người có mặt trực tiếp, khi nó tạo nên bầu không khí mù mịt, đặc quánh và đương nhiên là không thể thở nổi nếu mức độ quá nhiều. Trận đấu cũng bị ảnh hưởng, hình ảnh của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng.

Cần xử lý ra sao?

4 năm tù là án phạt dành cho cổ động viên đã bắn đi quả pháo sáng trên sân Hàng Đẫy năm nào. Nhưng có chắc rằng nó khiến cho những người khác cảm thấy phải suy nghĩ, phải cân nhắc khi có hành động cổ vũ quá khích? Thường là không, bởi dường như ai cũng nghĩ rằng, chuyện đó không xảy ra với mình.

Không có giá trị tuyệt đối trong văn hóa cổ vũ bóng đá. Đó là điều khẳng định, bởi thế giới cũng từng chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến cổ động viên. Thế nhưng, điều quan trọng là không nên - và không thể - để một bộ phận những cá nhân có tư duy phá hoại làm ảnh hưởng đến cuộc chơi chung…

Xử lý ra sao thì có thể thấy rằng, trong nhiều năm, phải có vụ việc cụ thể thì ban tổ chức hay VFF mới có phương án, trong khi có rất ít quy định cụ thể liên quan đến vấn đề của cổ động viên.

Chỉ trong Quy định về kỷ luật của VFF mới có một phần nhỏ nhắc đến “khán giả” là Mục 3, nhưng lại thuộc về khía cạnh “hành vi, thái độ công kích, kích động, phân biệt chủng tộc” chứ không cụ thể về văn hóa cổ vũ. Theo một cách hiểu thì “chửi trọng tài đương nhiên không phải phân biệt chủng tộc” nên sẽ “không bị cấm đến sân trong vòng 2 năm”. Còn trong điều lệ mùa giải 2022 mà VPF đưa ra, không có mục nào nhắc đến cổ động viên.

Cách đây 3 năm, Liên đoàn bóng đá Hải Phòng từng có tâm thư gửi đến các cổ động viên thành phố cảng về văn hóa cổ vũ, nhưng đâu vẫn hoàn đó… Không có án phạt nào làm họ e ngại cả.

Cho đến thời điểm này, các hội cổ động viên được thành lập và hoạt động có phần tự phát. Vậy nên, trong khi có những hội hoạt động hiệu quả, với các hình thức thu nạp hội viên phù hợp, đảm bảo tuân thủ quy định trong các hoạt động - trong đó có cổ vũ trên sân, thì vẫn có những hội thiếu định hướng, xem bóng đá, cổ vũ theo cảm xúc và bằng bản năng, dẫn đến nhiều hành động, lời nói không đẹp.

Để xử lý thì như đã nói, ngay từ các hội, nhóm cổ động viên cần có tôn chỉ mục đích rõ ràng trong hoạt động. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng cần sâu sát, thậm chí, việc thành lập hội cổ động viên cũng cần phải có sự đồng ý, phê chuẩn của chính đội bóng (như các câu lạc bộ nước ngoài vẫn làm).

Cuối cùng, đơn vị tổ chức giải bóng đá quốc nội cũng cần xây dựng quy chế, điều lệ cụ thể cho hoạt động cổ vũ, cùng những án phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe, buộc tất cả những người có trách nhiệm, những người yêu bóng đá, yêu câu lạc bộ một cách chân chính phải có tiếng nói ngăn chặn bất kỳ hành động vô văn hóa nào trong hoạt động bóng đá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn