MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin trong một lần gặp mặt. Ảnh: Sputnik

Được danh là thành công

NGẠC NGƯ LDO | 16/07/2018 09:44
Trong thời gian cầm quyền gần một năm rưỡi đến nay ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump mới chỉ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề những sự kiện đa phương quốc tế ở bên ngoài nước Mỹ và nước Nga, mà cũng chỉ gặp nhau ngắn ngủi chứ chưa có được cuộc cấp cao thực thụ giữa 2 nước.

Chính vì thế, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin ở thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày hôm nay (16.7) mới thu hút sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cả thế giới và được coi là sự kiện chính trị thế giới lớn của năm 2018 - như trước đó cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên - giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Cơ chế G2

Đánh giá như thế không hề sớm và cũng chẳng quá mức. Mối quan hệ giữa 2 nước này trong thời gian vừa qua không được tốt đẹp, từ thời người tiền nhiệm của ông Donald Trump đã thế chứ không phải bởi ông Trump, nhưng ở thời gian ông Trump trị vì nước Mỹ đến nay chưa hề được cải thiện, nếu như không nói là có phần còn tồi tệ hơn.

Ngay vừa cách đây có mấy ngày thôi, phía Mỹ truy tố 12 nhân viên tình báo Nga với cáo buộc đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Mỹ hồi tháng 11.2016. Đảng Dân chủ Mỹ đòi ông Trump huỷ cuộc gặp với ông Putin. Ông Trump lại còn rất kiên định chủ trương gặp ông Putin để khởi động lại mối quan hệ giữa Mỹ và Nga - điều mà người tiền nhiệm, ông Barack Obama, đã không muốn làm và cũng đã không làm nổi - mà lại còn làm việc này khi chủ động gây chuyện cả về chính trị an ninh lẫn kinh tế thương mại với các đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ, đặc biệt với EU và NATO cũng như với G7.

Điều làm cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin được thiên hạ chú ý không phải là sự quan ngại sâu sắc và có lý do xác đáng của các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ về nguy cơ bị ông Trump bất chấp, gạt sang bên khi xử lý quan hệ của Mỹ với Nga, mà là khả năng 2 người này cùng nhau hình thành cơ chế tay đôi để xử lý mọi chuyện chính trị an ninh chung của thế giới, hay còn được gọi là G2.

Về kinh tế và thương mại thế giới, ông Trump không thể làm được việc này với ông Putin, mà có chăng thì phải làm việc ấy với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng về chính trị an ninh thế giới thì ông Trump chỉ có thể và phải gây dựng cơ chế G2 ấy với Nga. Càng không tin NATO và càng coi thường EU thì ông Trump lại càng phải thiện chí, tranh thủ và lôi kéo Nga. Chỉ riêng việc ông Trump gặp ông Putin gần như ngay sau cuộc thượng đỉnh thường niên vừa rồi của NATO - mà các thành viên NATO không thể hài lòng về ông Trump - cũng đã đủ để các đồng minh và đối tác quan trọng lâu nay của Mỹ không thể không hậm hực và buộc phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Chắc chắn thành công

Sự kiện lớn của thế giới thì trên chương trình nghị sự không thể có chuyện nhỏ, dễ dàng và không quan trọng. Ukraina và Syria, Triều Tiên và Iran, NATO và giải trừ vũ khí hạt nhân đều là những vấn đề động chạm đến cục diện chiến lược về chính trị an ninh ở các khu vực và tới trật tự thế giới, đến vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới của Nga và Mỹ, đến hợp tác hay cạnh tranh chiến lược giữa 2 nước này và sẽ đưa lại câu trả lời cho câu hỏi, liệu cái cơ chế G2 kia có hình thành được không, có hoạt động và phát tác được không.

Vấn đề Crưm chắc sẽ không được bàn đến, vì Nga cho biết từ trước là sẽ không nhượng bộ và phía Mỹ cũng đã tuyên bố là không công nhận Crưm thuộc về Nga. Không có gì tệ hại đối với EU và NATO bằng việc ông Trump công nhận Crưm thuộc về Nga. Hai bên đã chủ ý gạt ra ngoài chủ đề gây bất đồng quan điểm khó khắc phục nhất để sự bất đồng quan điểm này không ảnh hưởng gì đến kết quả của sự kiện lớn.

Trong những chủ đề nội dung khác trên chương trình nghị sự của cuộc gặp, khả năng 2 người này đạt được nhất trí quan điểm, dù với mức độ khác nhau, đều không phải không có. Nhưng cả điều ấy dường như cũng vẫn không phải mục đích chính của họ. Điều họ thực chất muốn là cùng phát đi thông điệp rằng, bất kể nước Mỹ và nước Nga đối nội và đối ngoại như thế nào, bất kể Châu Âu và thế giới diễn biến ra sao thì họ vẫn có thể gặp nhau để trao đổi và tham vấn, để cùng nhau làm nên cái mới mẻ và đặc biệt, khác trước và mang đậm dấu ấn riêng của họ.

Cho nên, mọi thoả thuận đạt được sẽ làm cuộc gặp của họ thành công. Nhưng ngay cả khi kết quả của sự kiện chỉ là những tuyên bố và cam kết chung chung như giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un ở Singapore thì cuộc gặp của họ ở Helsinki cũng không hề thất bại. Được danh thôi đã đủ để thành công rồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn