MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động của Cty PBNC bao vây Cty CX Tech đòi lương. Ảnh: Lê Tuyết

Bát nháo hoạt động cho thuê lại lao động ở TPHCM: Người lao động lĩnh đủ

Lê Tuyết LDO | 31/07/2014 09:00
Bộ luật Lao động (LĐ) 2012 có hiệu lực từ ngày 1.5 đã bổ sung một chế định mới là hoạt động cho thuê lại LĐ. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết. Những tưởng, một hoạt động “chui” nay được luật hóa sẽ đi vào quy củ.

Tuy nhiên, thực tế thì đến giờ này, cả doanh nghiệp (DN) cho thuê lại LĐ và DN đi thuê vẫn đang làm một cách hết sức tù mù, vì thế chỉ người lao động (NLĐ) là chịu thiệt.

Doanh nghiệp đổ lỗi cho nhau

Liên tục trong những ngày cuối tháng 9, khoảng 25 LĐ là nhân viên của Cty TNHH thương mại và dịch vụ PBNC (ĐC: E864 KP5, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, là DN cho thuê lại LĐ) đã tập trung về Cty CP CX Technology VN (CX Tech - ĐC: Đường Tân Thuận, KCX Tân Thuận, Q.7, TPHCM, là DN thuê lại LĐ) để đòi tiền lương.

Tìm hiểu của PV, 25 LĐ này được Cty PBNC “gom” từ nhiều tỉnh, sau đó thỏa thuận (miệng) với NLĐ đưa họ lên TPHCM làm việc tại Cty CX Tech, theo hình thức “cho thuê lại LĐ”. Công việc là lựa những sản phẩm bằng sắt bị lỗi, thời gian làm trong 1 tháng, lương mỗi ngày là 140.000 đồng/người, ngày làm 10 tiếng - từ 8h sáng đến 18h tối...

Tuy nhiên, đến ngày nhận lương thì 25 LĐ được ông Phạm Văn Tuân – Giám đốc Cty PBNC - thông báo, phía CX Tech cho rằng CN làm chưa đạt yêu cầu nên chỉ thanh toán cho PBNC 85% tổng số tiền trên hợp đồng. Sau đó, PBNC cũng trả 85% lương cho CN. Khi CN phản ứng thì ông Tuân “xúi” họ lên CX Tech mà đòi!

Giải thích với PV, ông Tuân cho biết: “Khi Cty PBNC ký hợp đồng với Cty CX Tech thì tiền lương của NLĐ được thỏa thuận là tính theo thời gian. Thế nhưng, sau đó phía Cty CX Tech lại đi lựa ra một CN giỏi nhất làm mẫu và buộc tất cả CN khác cũng phải làm được bằng đúng số sản phẩm mà CN “mẫu” này làm. Vì thế, khi chấm dứt hợp đồng, phía CX Tech đã trừ khoảng 15% tiền công đối với Cty PBNC”.

Làm việc với PV, phía Cty CX Tech cho rằng đã thực hiện đúng cam kết. Trước đó, CX Tech đã thỏa thuận lại với ông Tuân về việc thực hiện hợp đồng, cách trả công theo sản phẩm, đến ngày thanh lý hợp đồng, chính ông Tuân đã ký nhận, đóng dấu Cty vào biên bản cam kết và nhận đủ hơn 119 triệu đồng...

Tại… pháp luật

Oái oăm là, sau khi tự mình đồng ý các thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thì Cty PBNC lại quay sang trừ tiền của NLĐ. Trước đó, PV đã đặt lịch hẹn các bên để làm rõ câu chuyện, thế nhưng không hiểu sao đúng ngày đó ông Tuân lại bị “ốm” đột xuất!

Theo tìm hiểu của PV, liên quan đến câu chuyện này, Bộ luật LĐ năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1.5 và sau đó là NĐ 55/2013/NĐ-CP đã quy định và hướng dẫn khá chi tiết. Theo đó, để được cấp phép hoạt động cho thuê lại LĐ, DN phải đảm bảo một số tiêu chuẩn cơ bản như: Đã thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng, người đứng đầu DN phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại LĐ từ 3 năm trở lên, có trụ sở ổn định từ 2 năm...

Thế nhưng, hiện tại, hầu như ít có DN nào đáp ứng được việc này và nó đang diễn ra một cách khá bát nháo, đặc biệt là tại các Cty dịch vụ bảo vệ, các DN cho thuê lại LĐ nhỏ lẻ. Vì thế, khi xảy ra tranh cãi, chỉ có NLĐ là chịu thiệt! Liên quan đến vụ việc trên, đại diện CX Tech cũng thừa nhận, không biết việc 25 LĐ mà Cty PNBC cung cấp không được ký hợp đồng, các chế độ BHXH, BHYT...

Thậm chí, công việc mà Cty CX Tech thuê lại LĐ làm việc là trái pháp luật, vì không thuộc 1 trong 17 ngành nghề theo danh mục của NĐ 55/2013/NĐ-CP, nhưng DN này cũng không hay biết; trong khi phía đối tác PBNC thì cứ “vô tư” cung ứng? Trao đổi với PV về việc áp dụng pháp luật trong hoạt động cho thuê lại LĐ, một cán bộ Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, đến giờ vẫn chưa thấy có thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể để các DN áp dụng thực hiện.

Gợi ý dành cho bạn