MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Cơn lốc da cam” Hà Lan có đủ sức hất văng “Gà trống Gaulois” Pháp? Ảnh: UEFA

EURO 2024 - Cảm xúc từ những biệt danh

TAM NGUYÊN LDO | 21/06/2024 08:00

Xem bóng đá không chỉ là sự cảm nhận về yếu tố chiến thuật mà còn là những cảm xúc, sự hình dung từ những biệt danh của các đội bóng.

Cảm xúc từ những biệt danh

Có một thời, làng báo thể thao coi biệt danh của các đội bóng - từ câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia, là nguồn cảm hứng, là kho tài nguyên để khai thác và tận dụng cho việc đặt tít. Những biệt danh ghép lại với nhau tạo nên những hình ảnh rất sống động giữa những hổ, gấu, đại bàng, kền kền, cả những chiến binh, lữ đoàn, cỗ xe tăng, hay thậm chí cả những hiện tượng thiên nhiên như cơn lốc da cam, thủy triều đỏ… Và đương nhiên, khi độc giả tiếp cận với những dòng tít kiểu như vậy, họ sớm có thể hình dung, tưởng tượng ra trận đấu theo cách riêng của mình.

Xem bóng đá là một cách tận hưởng, thả cảm xúc vào trận đấu. Điều này được cảm nhận nhiều hơn trong giai đoạn những năm 90 của thế kỷ XX hay thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX. Thời điểm đó, truyền hình có những bước phát triển mạnh hơn, internet tốc độ cao dần lên, bóng đá quốc tế về với Việt Nam nhiều hơn và vì thế, thông tin lũ lượt đổ về, giải cơn khát - hay nói một cách dân dã là “giải ngố” cho những người hâm mộ bóng đá.

Rất nhiều kiến thức đến từ đó, để khi những thống kê, thông số, chiến thuật chưa được chú trọng như giai đoạn hiện nay, người xem chỉ việc thả hồn và cảm xúc vào những bước chạy, nhưng pha xử lý bóng, những đường chuyền điệu nghệ, những pha phối hợp… sống trong cảm xúc từ những cái tên huyền thoại Eric Cantona, Fernando Redondo, Ronaldo “béo”, Zinedine Zidane, Ronaldinho…

Những bài viết luôn không thiếu những biệt danh của các đội bóng, đôi khi là sự xen kẽ cả những bộ phim Hollywood, những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong lịch sử. Phong cách của nhiều cây viết nổi tiếng cũng có chất rất riêng, để mỗi sáng luôn là sự háo hức mong đợi của độc giả…

“Gà trống”, “Cơn lốc da cam”, “Đại bàng trắng”, “Đại bàng đen”

Tối 21, rạng sáng 22.6, EURO 2024 có 3 trận đấu tiếp theo, trong đó, đáng chú ý nhất là màn đối đầu giữa Tuyển Hà Lan và Tuyển Pháp. Với cặp đấu này, ở giai đoạn trước, các phóng viên có thể đưa ra một tiêu đề đầy hình ảnh như “Gà trống Gaulois trong Cơn lốc da cam”...

“Gà trống Gaulois” là biệt danh của Đội tuyển Pháp. Gà trống Gaulois là biểu tượng của nước Pháp trong nhiều thế kỷ, thể hiện niềm hy vọng và đức tin (trong tôn giáo), tượng trưng cho sự kiên cường, lòng dũng cảm và sự cảnh giác. Dĩ nhiên, hình ảnh gà trống còn là sự oai vệ, kiêu hãnh. Đây vẫn là biểu tượng của các đoàn vận động viên quốc gia Pháp - trong đó có đội tuyển bóng đá quốc gia, tại các sự kiện thể thao quốc tế, phần lớn người Pháp đến bây giờ vẫn coi gà trống Gaulois là biểu tượng của sự chân thành và tươi sáng.

Với bóng đá Hà Lan, biệt danh “Cơn lốc da cam” lại đến theo một cách khác. Không phải chỉ bởi họ và chọn màu áo cam truyền thống khi thi đấu mà phong cách chơi trong giai đoạn những năm 1970 được gọi là “bóng đá tổng lực”. Thời của những Johan Cruyff, Rinus Michels triển khai một lối chơi “phi chiến thuật”, khi gần như toàn bộ cầu thủ trên sân tạo nên một khối, di chuyển tới bất kỳ đâu cầu thủ đối phương có bóng.

2 đội tuyển Ba Lan và Áo không nằm trong những đội bóng hàng đầu châu Âu, nhưng luôn có sự kình địch theo chiều dài lịch sử 2 quốc gia. Và điều tạo nên hình ảnh cho cặp đấu này là màn đối đầu giữa “Đại bàng trắng” (Ba Lan) và “Đại bàng đen” (Áo) - dựa theo biểu tượng trên logo của 2 liên đoàn để cũng có sự hấp dẫn riêng, nhất là khi 2 đội chưa có điểm nào sau lượt trận ra quân.

Lịch thi đấu

20h00 ngày 21.6: Slovakia - Ukraina

23h00 ngày 21.6: Ba Lan - Áo

02h00 ngày 22.6 : Hà Lan - Pháp

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn