MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyển Italy thắng ở bán kết EURO 2020 và tuyển Tây Ban Nha thắng lại ở bán kết Nations League 2023. Ảnh: UEFA

EURO 2024 - Sự đảo chiều tư duy

TAM NGUYÊN LDO | 20/06/2024 11:01

Đêm nay, khi 2 đội tuyển Tây Ban Nha và Italy gặp nhau ở lượt trận thứ hai bảng B EURO 2024, họ là hình ảnh đại diện cho sự thay đổi, sẵn sàng phá bỏ tư duy cũ để theo kịp thời cuộc.

Khi người Tây Ban Nha cất “tiqui-taca” vào tủ

Với bóng đá châu Âu và thế giới, ngay từ những ngày đầu, Tây Ban Nha luôn nằm trong nhóm những đội bóng mạnh nhất.

Bỏ qua một bên chuyện về tầm ảnh hưởng của nhà độc tài Franco trong một thời kỳ lịch sử, phải ghi nhận rằng, bóng đá Tây Ban Nha sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng. Có thể, họ không thống trị các giải thưởng cá nhân hàng đầu nhưng ở họ vẫn toát lên phong cách chơi bóng rất riêng, với phong thái uyển chuyển, nhẹ nhàng, tạo cảm giác về sự lãng mạn.

Tuyển Tây Ban Nha từng vô địch châu Âu năm 1964 và á quân năm 1984, nhưng trong một thời gian dài, họ vẫn được ví như “cậu học trò học tài thi phận”, khi liên tục gục ngã tại các giải đấu lớn, từ World Cup đến EURO. Chỉ đến khi đội tuyển vận hành dựa trên bộ khung của các cầu thủ Barcelona được xây dựng lối chơi mang tên tiqui-taca, giai đoạn thành công đặc biệt mới đến, thậm chí làm nên lịch sử với 2 chức vô địch EURO (2008, 2012) và 1 chức vô địch thế giới (2010) trong 6 năm.

Nhưng khi một triết lý, một lối chơi vốn thường chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định, tiqui-taca cũng lụi tàn. Đã có lúc, Luis Enrique - người từng ở Barca, muốn tái hiện điều đó như Vicente del Bosque được hưởng lợi từ Pep Guardiola, nhưng La Roja cũng chỉ đi đến bán kết EURO 2020, sớm bị loại ở vòng 1/8 World Cup 2018 và 2022. Bởi một điều cơ bản, lứa cầu thủ của giai đoạn đó không phải là những nhân tố tinh túy nhất như những ngày Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Sergio Busquets, Xabi Alonso, Gerard Pique, Carles Puyol, David Villa, Fernando Torres... kết hợp lại.

Hệ tư tưởng của Italy

Trong khi sự thay đổi ở bóng đá Tây Ban Nha chỉ mang tính giai đoạn thì với người Italy, đó là sự dịch chuyển khó khăn hơn nhiều - thay đổi cả một hệ tư tưởng. Khác với Tây Ban Nha, Italy từng 4 lần vô địch thế giới, 2 lần vô địch châu Âu với thương hiệu “catenaccio” - thứ bóng đá phòng ngự được họ nâng lên mức nghệ thuật.

Gần nhất, họ vô địch EURO 2020 bởi sự kết hợp của những “dị nhân” nơi hàng phòng ngự. Thế nhưng, người ta không quên rằng, kể từ sau chức vô địch thế giới năm 2006 đến trước EURO 2020, “Đội quân Thiên thanh có 2 kỳ World Cup không qua vòng bảng, 2 kỳ World Cup không vượt qua vòng loại, 3 kỳ EURO khác có 1 lần đi xa nhất là vào chung kết (2012), 2 lần dừng chân ở tứ kết.

Vậy là, chức vô địch EURO 2020, thực chất, cũng chỉ là tính giai đoạn, khi bóng đá Italy không còn những ngôi sao biểu tượng cho catenaccio. Và họ phải chuyển đổi. Cùng Luciano Spalletti, từ năm 2023. Lần đầu tiên trong sự nghiệp dẫn dắt một đội tuyển quốc gia, đã có lúc, Spalletti phải đương đầu với cả đất nước khi không phát huy truyền thống phòng ngự. Và ông đã có dấu ấn, khi xếp thứ 2 trong cuộc bầu chọn Huấn luyện viên xuất sắc nhất của FIFA năm 2023 (sau Pep Guardiola).

Với tư duy của mình, Spaletti từng nói: “Các hệ thống không còn tồn tại trong bóng đá nữa, tất cả chỉ là khoảng trống mà đối phương để lại.

Do đó, màn đối đầu giữa Tây Ban Nha và Italy đêm nay sẽ rất đáng mong chờ.

Lịch thi đấu

20h00 ngày 20.6: Slovenia - Serbia (TV360, VTV2)

23h00 ngày 20.6: Đan Mạch - Anh (TV360, VTV2)

02h00 ngày 21.6: Tây Ban Nha - Croatia (TV360, VTV3)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn