MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội tuyển U23 Việt Nam sẽ nhận nhiều chú ý khi tranh tài tại ASIAD 19. Ảnh: VFF

Giá bản quyền truyền hình ASIAD 19 tăng và nhu cầu thực tế của khán giả Việt Nam

HOÀI VIỆT LDO | 08/08/2023 17:24

Giá bản quyền truyền hình Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) lên tới khoảng 15 triệu USD ở thị trường của một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Giá tăng đáng kể

Kì Đại hội thể thao châu Á năm 2018 tại Indonesia (ASIAD 18-2018), bản quyền truyền hình đã được bán tại thị trường Việt Nam là khoảng dưới 1,5 triệu USD (thời điểm trên). Khi đó, đơn vị Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) là đơn vị mua độc quyền bản quyền truyền hình của Đại hội trên lãnh thổ Việt Nam. VOV đã mua được bản quyền truyền sau khi thỏa thuận với công ty được ban tổ chức giao phân phối bản quyền là công ty KJSM World Corp để mua bản quyền ASIAD 18-2018.

Theo ghi nhận, giá bản quyền truyền hình của ASIAD đã tăng đáng kể đến lúc này. Được biết, kì tổ chức năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), giá bản quyền truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 50.000 USD. Dù thế, tới thời điểm này, dù con số chưa công bố chính thức nhưng mức bản quyền cho ASIAD 19 được cho là lên đến 15 triệu USD.

Thời điểm này, chưa đơn vị nào chính thức xác nhận tham gia đấu giá để mua bản quyền truyền hình ASIAD 19. Về nguyên tắc, đơn vị phân phối bản quyền truyền hình đưa mức giá bản quyền truyền hình phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có sự phát triển của thị trường thể thao của một quốc gia cụ thể.

Từ đó, phí bản quyền truyền hình mới được đưa ra. Trong khi đó, với mỗi đơn vị truyền hình hoặc một đơn vị nào cụ thể tiến tới mua bản quyền truyền hình của giải đấu cụ thể hoàn toàn dựa trên việc dự báo về nguồn thu quảng cáo từ đó cân đối được lợi nhuận mới quyết định đấu giá để mua bản quyền truyền hình cuối cùng.

Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: Hữu Phạm

ASIAD có thể không sức hút bằng SEA Games?

Về bản chất chuyên môn, Thế vận hội thể thao thế giới (Olympic) và Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) là giải chuyên môn có tính chất cao nhất về thành tích. Nhưng Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vẫn mang lại nhiều sức hút ở Việt Nam hơn.

Nhưng lúc này, bản quyền truyền hình SEA Games vẫn miễn phí cho các đài truyền hình, đài tiếng nói của các quốc gia tham gia Đại hội. Kì SEA Games 32 tại Campuchia, dự kiến ban đầu bản quyền truyền hình có thể mất phí và ban tổ chức Đại hội sẽ quy định mức phí cho các đài truyền hình, tiếng nói phải mua nếu tham gia tác nghiệp. Tuy nhiên đến trước khi SEA Games 32 khai mạc, ban tổ chức chủ nhà Campuchia đã công bố miễn phí bản quyền truyền hình.

ASIAD là câu chuyện khác bởi việc bán bản quyền truyền hình đã là quy định do có chế tài cụ thể của Hội đồng Olympic châu Á (OCA). Đồng thời, trong thể thao chuyên nghiệp, tất cả các Đại hội thể thao quan trọng đều thực hiện ý thức chuyên nghiệp là bán bản quyền truyền hình để thu lại lợi nhuận.

Trong diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam đã tổ chức, các nhà quản lý của thể thao Việt Nam đã khẳng định, bản quyền truyền hình là một trong những nguồn thu chính đáng và phải có đối với các giải thể thao lớn, đặc biệt là các Đại hội.

Với kì ASIAD 19, hiện tại ban tổ chức của Đại hội chưa công bố sẽ tổ chức sản xuất tín hiệu trực tiếp bao nhiêu môn thể thao. Toàn Đại hội lần này, ban tổ chức đưa vào thi đấu 483 nội dung của 40 môn thể thao chính thức.

Vào lúc này, ban tổ chức đã công bố cơ sở hạ tầng về Trung tâm báo chí của ASIAD 19 phục vụ cho Đại hội và trong đó các phòng chuyên môn dành cho khu vực truyền hình quốc tế được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn đúng quy định.

Trên thực tế, một trong những nguyên do khiến cuộc đấu của thể thao Việt Nam ở ASIAD không được nhiều sức hút như chúng ta thi đấu SEA Games nằm ở yếu tố thành tích. Với mỗi kì SEA Games, người hâm mộ luôn háo hức theo dõi các đội tuyển thể thao quốc gia để "đếm" huy chương vàng.

Thực tế, khi không có thành tích đáng kể, người hâm mộ sẽ rất ít quan tâm. Gần nhất, thể thao Việt Nam từng giành 5 huy chương vàng tại ASIAD 18-2018.

Với các đài truyền hình, các cơ quan báo chí thì khán giả là người làm nên thành công của giải đấu. Khi người hâm mộ không nhiều mặn mà với ASIAD thì rất khó để một đơn vị truyền hình, công ty truyền thông bỏ nhiều triệu USD mua bản quyền truyền hình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn