MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một pha tranh bóng trên mặt sân lầy lội. Ảnh: Đ.Đ

Giải pháp chống “ngập lụt” cho U22 Việt Nam

HOÀI ĐAN LDO | 20/07/2017 09:47
Sau mỗi trận mưa lớn, nhiều con phố ở Sài Gòn rơi vào cảnh ngập trên diện rộng và đang mùa mưa, việc thi đấu ở TPHCM đồng nghĩa với chấp nhận thủy chiến, chơi bóng trên mặt sân ngập nước như trận U22 Việt Nam - U22 Timor Leste...

Hình ảnh người dân phải sống chung với lụt diễn ra với nhiều cảnh tượng bi hài. Những chiếc ôtô, xe máy bơi trong biển nước, nhiều hộ dân “đắp đập be bờ” ngăn nước tràn vào nhà, thậm chí dịch vụ vận chuyển người, cứu hộ xe cũng mọc lên như một giải pháp tạm thời... Đó là còn chưa kể những vụ tai nạn xảy ra khi người dân vô tình đi vào hố ga, cống mất nắp...

Giải pháp chống ngập cho thành phố là điều đã được giới chức trách, chuyên gia đưa ra bàn thảo khá nhiều. Tất nhiên, trong đó không thể có giải pháp... di dời "toàn bộ Sài Gòn đi đến nơi cao hơn và quy hoạch hiện đại hơn". Thế nên những gì mà những người có trách nhiệm có thể làm là đưa ra những phương án khắc phục tạm thời, và những dự án quy hoạch của tương lai. Còn người dân thì luôn luôn phải nghĩ ra phương án sống chung với ngập lụt ở thành phố, một trong những điều mà người ta có thể chủ động được là xác định thời điểm mùa mưa của Sài Gòn.

Những ai chứng kiến trận đấu của U22 Việt Nam và U23 Đông Timor trên sân Thống Nhất tại vòng loại U23 Châu Á tối 19.7 sẽ thấy một cảnh tượng ngập chẳng khác những con phố Sài Gòn trong mưa lớn. Nước ngập thành vũng, mặt sân lầy lội và các cầu thủ đá bóng chung với mặt sân sũng nước chẳng khác gì người Sài Gòn sống chung với lụt.

Nhìn cách mà các cầu thủ di chuyển quả bóng bằng đủ những động tác kỹ thuật như sục, tâng làm nhiều nhịp, có cảm giác đây giống như một trận đấu đậm tính biểu diễn. Tất nhiên, việc duy nhất cầu thủ có thể làm là sút được quả bóng càng xa càng tốt.

Các cầu thủ thi đấu trên sân ngập nước. Ảnh: Đ.Đ

Thực tế, sân Thống Nhất bị sũng nước một phần do mưa quá lớn, mặt khác do hệ thống thoát nước đã cũ. Và đặc biệt, trong mùa mưa, với cường độ bị cày xới liên tục khiến cho mặt sân trở nên xấu xí, lầy lội. Thế nhưng, nó vẫn được sử dụng để tổ chức các trận đấu ở Vòng loại U23 Châu Á, một giải đấu ở cấp độ châu lục.

Có lẽ, giải pháp “chống ngập lụt cho các đội tuyển” cũng đã được VFF tính tới. Bởi lẽ đây không phải lần đầu tiên, các trận đấu của tuyển Việt Nam cũng như U22 Việt Nam gặp khó khăn với những cơn mưa Sài Gòn. Hơn nữa, những người làm công tác tổ chức xác định rõ đây là mùa mưa và hoàn toàn có thể xây dựng một phương án tối ưu cho việc khắc phục những hạn chế này, đặc biệt là khi tiếp đón các vị khách quốc tế.

Việc "di dời cả một thành phố" để thoát ngập thì rõ ràng bất khả thi, thế nhưng chọn địa điểm tổ chức một giải đấu bóng đá ở nơi đắc địa hơn thì là điều nằm trong tầm tay của VFF. Trước đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, tại sao không đưa giải đấu về sân Mỹ Đình với cơ sở vật chất tốt hơn, mặt cỏ đẹp hơn?

Được biết, do giá thuê sân Mỹ Đình cao, VFF đã đổi sang phương án sân Thống Nhất. Ngoài ra, VFF cũng tính toán việc tổ chức trên sân Thống Nhất sẽ thu hút lượng CĐV nhiều hơn. Bởi  các trận đấu gần đây của ĐT Việt Nam tổ chức trên sân Thống Nhất có lượng khán giả đông hơn, không khí cuồng nhiệt, tập trung hơn ở Mỹ Đình.

Lý do này có thể cho là phù hợp. Tuy nhiên, giữa việc tính toán chất lượng, hình ảnh một giải đấu, của đội tuyển là điều cần cân nhắc, đặc biệt là khi các giải pháp vẫn nằm trong tầm kiểm soát chứ không phải bất khả thi.

Với U22 Việt Nam và các đội bóng ở bảng I, trước mắt hãy cứ nghĩ cách đá bóng trên những sân bóng ngập nước bởi có thể trận nào cũng mưa và phải thủy chiến... 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn