MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
U23 Việt Nam trong trận đấu với U23 Uzbekistan. Ảnh: AFC

Giải trẻ châu lục và bài học dành cho bóng đá Đông Nam Á

AN NGUYÊN LDO | 25/04/2024 09:30

Khu vực Đông Nam Á có thành công, có thất bại nhưng mỗi nền bóng đá đều có được bài học cho riêng mình sau vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Thành tích không ổn định

Vòng bảng giải U23 châu Á 2024 kết thúc với cả niềm vui và nỗi buồn cho bóng đá Đông Nam Á. U23 Việt Nam và U23 Indonesia giành vé đi tiếp, U23 Thái Lan và U23 Malaysia phải trở về nhà sớm với nhiều trận thua.

Mỗi đội tuyển có một vấn đề riêng, một màn trình diễn khác nhau, nhưng chỉ tính riêng ở 3 trận đấu vòng bảng, sự bất ổn là cụm từ chính xác nhất để mô tả về các đại diện của khu vực Đông Nam Á.

U23 Việt Nam thắng 2 trận, thua 1 trận nhưng không ai có thể nói rằng các học trò của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn chơi tốt. Cứ mỗi trận đấu lại có nhiều người mắc sai lầm, thậm chí là lỗi của cả hệ thống.

U23 Indonesia là đội tạo ra “cơn địa chấn” ở giải năm nay. Trong lần đầu tiên đến với một vòng chung kết U23 châu Á, họ đánh bại cả U23 Australia và U23 Jordan để vào tứ kết. Nhưng khi xem kỹ từng trận đấu của đội bóng xứ Vạn đảo, khó ai có thể đoán trước U23 Indonesia sẽ đá thế nào.

Khi thì họ đá thăng hoa như ở trận đấu với U23 Jordan, lúc thì thầy trò huấn luyện viên Shin Tae-yong chơi thiếu hiệu quả trong ngày ra quân trước U23 Qatar. Có thời điểm, U23 Indonesia chỉ biết chịu trận và thoát thua như khó khăn họ từng đối mặt trong lần đối đầu U23 Australia.

Với U23 Thái Lan, họ đưa người hâm mộ nước này “lên mây” sau chiến thắng trước U23 Iraq trong ngày ra quân. Nhưng rồi, trận thảm bại 0-5 trước U23 Saudi Arabia dường như đánh sập ý chí của Erawan Garnier và đồng đội. Ở trận cuối, U23 Thái Lan tiếp tục để thua 0-1 trước U23 Tajikistan và ngậm ngùi rời giải.

Cần xây dựng nền móng vững chắc

Bóng đá Thái Lan đang nổ ra tranh cãi lớn khi đội tuyển U23 nước này mất 8 trụ cột vì các đội bóng Thai League từ chối “nhả” quân cho đội tuyển. Không thể phủ nhận rằng đây là một trong những lý do khiến U23 Thái Lan suy yếu nghiêm trọng.

Ngược lại, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) - ông Erick Thohir gõ cửa từng câu lạc bộ và có được đội hình tốt nhất. U23 Indonesia ra sân với 9 tuyển thủ quốc gia, 4 người trong số đó là các cầu thủ nhập tịch. Với đội hình giàu sức chiến đấu, U23 Indonesia trở thành đội bóng đáng xem ở giải năm nay.

Thực tế, thành tích của các đội Đông Nam Á ở giải U23 châu Á không mấy khả quan và hiếm khi có tính ổn định.

U23 Việt Nam ngoài chiến tích tại Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018 thì cũng có 2 lần không vượt qua vòng bảng. U23 Thái Lan thường mờ nhạt ở các sân chơi trẻ châu lục. Trong khi đó, đây mới là lần đầu tiên U23 Indonesia được dự một kỳ U23 châu Á.

Khó khăn và thuận lợi của các đội bóng nói lên vấn đề cốt lõi của bóng đá Đông Nam Á. U23 Việt Nam hay bất kỳ đại diện nào trong khu vực rất khó để duy trì thành tích bởi hệ thống đào tạo trẻ không cung cấp đủ cầu thủ trẻ kế cận với chất lượng ổn định.

Sau lứa cầu thủ của Công Phượng, Quang Hải, bóng đá Việt Nam loay hoay đi tìm thế hệ “vàng” tiếp theo. U23 Việt Nam ở giải này có một vài nhân tố thi đấu tốt, nhưng có lẽ họ chưa đạt tiêu chuẩn để đá chính trong đội hình 6 năm về trước.

U23 Thái Lan sau thời gian sản sinh ra nhiều ngôi sao đẳng cấp như Supachai, Suphanat, Supachok… cũng không thể duy trì lực lượng ổn định. Ngược lại, chính U23 Indonesia đang hái quả ngọt nhờ chiến lược đầu tư vào lứa cầu thủ mà họ dự tính chuẩn bị cho FIFA U20 World Cup. Khi có nguyên liệu tốt, ông Shin Tae-yong lập tức tạo ra khác biệt.

Bởi vậy, để bóng đá Đông Nam Á ngày càng tiệm cận với trình độ châu lục, nền móng từ giải vô địch quốc gia và hệ thống đào tạo trẻ mỗi nước là điều quan trọng nhất. Chỉ khi tạo ra một mặt chân đế ổn định, Thái Lan, Việt Nam hay Malaysia mới có thể mơ về World Cup.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn