MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khán giả phủ kín SVĐ Hàng Đẫy tối 5.4. Ảnh: H.A

Hàng Đẫy “thất thủ”

ĐĂNG HUỲNH LDO | 07/04/2018 08:23
19h00 ngày 5.4, khi trận đấu bù vòng 3 NutiCafe V.League 2018 giữa Hà Nội và HAGL bắt đầu diễn ra, ngoài khu vực cổng số 7 sân Hàng Đẫy vẫn còn hàng trăm CĐV có vé nhưng không được vào sân. 

Họ liên tục tạo ra những tiếng la ó, đập cổng để phản đối BTC. Hàng Đẫy chính thức “thất thủ”, trong... niềm vui khi có đến hơn 20 sân bóng mới lại “vỡ” thế.

 Bầu Hiển cũng phải đứng ngoài

Mặc dù trận đấu giữa Hà Nội và HAGL diễn ra vào ngày trong tuần, không phải ngày nghỉ nhưng sức “nóng” của nó đã khiến cho các khán đài trở nên chật chội. Những người tổ chức cũng không thể lường trước được SVĐ có sức chứa hơn 20.000 chỗ ngồi lại không thể đáp ứng cho nhu cầu của người hâm mộ.

Thực tế, trước trận đấu này, BTC đã phát hành hết sạch 15.000 vé cho các CĐV, số còn lại là vé mời. Thế nhưng, tuyệt nhiên chỉ có vé khán đài A, B được phát hành, BTC đã vô tình quên mất là sân Hàng Đẫy vẫn còn những khán đài góc đủ để phục vụ cả nghìn khán giả. Bởi đã lâu lắm rồi, đấy là những vị trí không mấy khi được sử dụng vì các trận đấu của Hà Nội thường chả mấy khi kín hai khán đài A, B.

“Chẳng biết từ khi nào nữa, đã lâu lắm rồi một trận đấu ở V.League tại sân Hàng Đẫy mới lại có cơn sốt vé như thế này. Chúng tôi chỉ có thói quen chạy vé của các giải mà ĐTQG, U.23, U.19 thi đấu chứ chả mấy khi sống được nhờ bán vé V.League. Nhưng bây giờ khi mọi người đến sân đông thì phải tính. Nói là vé ngoài chợ đen nhưng mức chênh lệch cũng chỉ gấp rưỡi, hoặc gấp đôi. Đây là mức quá bình thường với một trận đấu nhận được nhiều sự chú ý, có nhiều ngôi sao của U.23” - một phe vé chia sẻ trước giờ bóng lăn.

Việc khán giả có thói quen sát giờ thi đấu mới đến khiến cho cảnh tắc nghẽn trước khu vực cổng vào khán đài A. Cả con phố Trịnh Hoài Đức đã chật cứng khi trong sân, hai đội làm thủ tục thi đấu và hát quốc ca, còn khán giả thì chen lấn, la ó và đạp cửa để được vào sân. Có nhiều người trong số đó lần đầu tiên đến Hàng Đẫy, cũng có nhiều người cả mấy chục năm rồi mới trở lại. Thế nên họ còn không phân biệt được đâu là lối vào khán đài A, B cũng là điều cần thông cảm. Điều này khiến BTC sân liên tục phải bắc loa thông báo hướng dẫn khán giả ngồi đúng vị trí.

Ngay cả khi vào sân rồi thì những CĐV vẫn chưa nguôi bức xúc với những tấm vé cầm trên tay khiếu nại BTC. Họ phải đứng, thậm chí tràn xuống đường picth khi tất cả các chỗ đều kín. Khán đài sân Hàng Đẫy đã “thất thủ” trong buổi tối mà dường như chuyện xem bóng đá là kênh giải trí duy nhất ở thành phố này.

Và trong đám đông bị đứng ngoài sân khi trận đấu đang diễn ra ấy có một nhân vật đặc biệt, đó là bầu Hiển - ông chủ của Hà Nội. Ông cũng không thể vào sân vì lực lượng an ninh đã chốt các cổng để tránh hiện tượng “vỡ trận”. Và cũng chính ông đã yêu cầu BTC phải mở cửa, cho tất cả khán giả vào sân và lấp đầy tất cả những chỗ trống có thể ngồi được.

Cũng trong quãng thời gian 15 phút phải đứng ngoài ấy, bầu Hiển đã nhận không ít những lời khiếu nại, phàn nàn của các CĐV. Bầu Hiển chia sẻ: “Khán giả mắng cả tôi, họ bảo như thế này thì lừa khán giả à? Sao tôi mua vé lại không vào được sân. 30 năm nay tôi mới ra Hàng Đẫy, các ông làm ăn thế à”.

Thế nhưng, chính ông lại vui vẻ với những lời mắng đó. Bởi có lẽ, trong suốt hơn chục năm làm bóng đá, có mấy khi ông được đứng nghe các CĐV phàn nàn vì chuyện chen chúc để vào sân thế đâu. Tất nhiên, xét về khâu tổ chức, Hà Nội cũng cần phải xem lại sự chủ quan của mình. Thế nhưng, về mặt cảm xúc thì ai cũng thấy bầu Hiển và những người yêu bóng đá thủ đô sướng ra mặt.

Nhiều cựu cầu thủ của Công an Hà Nội, Thể Công… trước đây như Vũ Minh Hiếu, Mạnh Dũng cũng không thể kiếm được chỗ ngồi, họ tràn xuống đường picth và đứng theo dõi trận đấu. Thời bóng đá Hà Nội hoàng kim với những khán đài chật cứng đã qua từ lâu. Và hôm nay những cầu thủ ấy đã được sống lại một phần ký ức đẹp, điều khiến chính họ cũng sướng. Một cái sướng của những người mà máu bóng đá đã ăn sâu vào tâm can. Bởi họ chính là những nhân vật hiện hữu cho sức sống của bóng đá thủ đô một thời.

Nghĩ về Hàng Đẫy “5 sao”

Cũng trong ngày Hàng Đẫy “thất thủ”, bầu Hiển đã ở lại sân đến tận tối muộn, sau khi khán giả đã về hết. Tất nhiên, ông không chỉ ở lại chỉ vì cao hứng thưởng Hà Nội thêm 500 triệu. Ông còn dặn dò lãnh đạo đội bóng Hà Nội cần có kế hoạch cụ thể trong các trận đấu sau để tránh xảy ra tình trạng người hâm mộ phàn nàn.

Thế nhưng, điều khiến tất cả chú ý hơn là về kế hoạch được bầu Hiển chia sẻ sau khi trận đấu kết thúc là dự án SVĐ Hàng Đẫy mới được khởi công vào cuối năm 2018. Ông Hiển cho biết: “SVĐ Hàng Đẫy mới sẽ được thiết kế 4 tầng hầm và 2 tầng nổi. 4 tầng hầm là bãi đỗ xe công cộng và trong các trận bóng đá thì là nơi đỗ xe cho các CĐV đến sân. 2 tầng nổi sẽ là khu vực SVĐ với thiết kế hiện đại, đẳng cấp đạt tiêu chuẩn FIFA. Ngoài chức năng là SVĐ quốc tế thứ 2 ở Hà Nội, Hàng Đẫy mới sẽ là một trung tâm kinh tế, giải trí của thủ đô.

Về quy mô, quỹ đất để mở rộng khu vực SVĐ Hàng Đẫy hiện nay không có. Xung quanh sân là Lăng Bác, Văn Miếu Quốc Tử Giám... nên SVĐ mới cũng phải đảm bảo hài hòa kiến trúc, cảnh quan với khu vực xung quanh. Sau khi SVĐ Hàng Đẫy mới khánh thành, Tập đoàn T&T sẽ thuê một đối tác để vận hành và quản lý SVĐ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”.

Trước đó, Tập đoàn T&T đã cùng với đối tác là Tập đoàn Bouygues (Pháp) ký kết hợp tác xây mới SVĐ Hàng Đẫy trị giá 250 triệu Euro. SVĐ mới với sức chứa 20.000 chỗ, đạt đẳng cấp FIFA sẽ ra mắt chính điểm đến lý tưởng cho người dân thủ đô có thể tìm kiếm mọi thứ ngoài bóng đá. Và trên hết, cảnh Hàng Đẫy “thất thủ” cũng sẽ không còn.

Đấy là dự án tương lai, nhưng nhìn vào hiện tại, những điều mà Hà Nội đang thay đổi từ những điều nhỏ nhất để hướng về khán giả rất đáng ghi nhận. Trước giờ trận đấu giữa Hà Nội và HAGL diễn ra, Chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội đã chia sẻ rằng: “Việc Hà Nội nâng cấp phòng thay đồ tiêu chuẩn quốc tế, sắm xe bus hiện đại, trang trí ấn tượng không chỉ nâng tầm chuyên nghiệp đội bóng mà cái chính là vì khán giả.

Bởi lẽ, khi khán giả dành tình yêu cho mình thì chính bản thân đội bóng phải cải thiện những hình ảnh không chỉ trên sân đấu mà tất cả mọi thứ đều thật chỉn chu mới để lại ấn tượng. Hay bên cạnh đó, việc nâng cấp mặt cỏ cũng nằm trong kế hoạch hướng đến những trận đấu đẹp mắt, phục vụ chính khán giả”.

Việc sân Hàng Đẫy “thất thủ” trong trận Hà Nội - HAGL là một minh chứng cho thấy, không phải đã qua rồi thời người hâm mộ “đói” nguồn giải trí mới đến sân. Điều quan trọng là tự bản thân các đội bóng bằng cách nào để thuyết phục khán giả đến sân như thế nào. Với Hà Nội, họ chỉ mất có 1 năm để giành chức vô địch V.League sau khi thăng hạng. Nhưng phải mất đến 10 năm để có khán giả. Đấy là hành trình dài đã được ghi nhận từ chính người hâm mộ thủ đô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn