MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Saudi Arabia. Ảnh: AFC

Hành trình World Cup của tuyển Việt Nam: Chỉ số lạc quan phải đi kèm ứng xử văn minh

Đăng Huỳnh LDO | 07/09/2021 07:00
Người Việt Nam dường như đang lạc quan với hành trình ở vòng loại World Cup 2022 của thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-seo. Thế nhưng, văn hoá ứng xử với thất bại lại mang tinh thần quá khích. 

“Tôi hy vọng Đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Đội tuyển Trung Quốc, Oman, Syria tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Tôi rất muốn được đối đầu với Đội tuyển Trung Quốc. So với các đối thủ còn lại của vòng loại thứ 3 thì đội tuyển Việt Nam cũng dễ có điểm trước ba đội tuyển này hơn” - đó là chia sẻ của trung vệ Bùi Tiến Dũng trước thềm lễ bốc thăm vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á. Đó là một phát biểu lạc quan của cầu thủ Việt Nam. Nhưng đặt trong bối cảnh lúc đó thì đấy chính là hiệu ứng truyền thông tạo ra khi rất nhiều khán giả và truyền thông Việt Nam đều mong chờ cặp đấu đó.

Sau này, một tờ báo Hàn Quốc đã hỏi Huấn luyện viên Park Hang-seo rằng: “Một cầu thủ Việt Nam trả lời phỏng vấn rằng “có thể thắng một trận trước Đội tuyển Trung Quốc tại vòng loại thứ 3”. Ông nghĩ sao?”. Ông Park đã chỉ ngay ra cái tên Bùi Tiến Dũng. Ông nói rằng: “Tôi dặn các cầu thủ là trong các buổi phỏng vấn về sau hãy chỉ nói những việc mà bản thân làm được thôi. Tôi cũng rất hiểu các học trò của mình luôn mong muốn thắng trận đấu với Đội tuyển Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là điều không phải chỉ cần quyết tâm là được mà phải chuẩn bị thật kỹ càng”. 

Đó được xem như chỉ số lạc quan đầu tiên của các cầu thủ Việt Nam sau khi vừa có được thành tích lần đầu lọt vào vòng loại thứ 3. Những lời ca tụng của truyền thông và người hâm mộ vẫn còn đó khiến cho chính các cầu thủ cũng đặt sự quyết tâm lên trên lý trí. 

Trước khi vòng loại thứ 3 khởi tranh, AFC đã mở mục bình chọn trên trang chủ dự đoán đội nào ở bảng B sẽ giành vé đến World Cup 2022, kết quả rất lạc quan cho Đội tuyển Việt Nam. Ngoại trừ Nhật Bản có lượt bình chọn cao nhất với 43.28%, vị trí thứ hai thuộc về Đội tuyển Việt Nam và Trung Quốc với số phiếu ngang bằng nhau là 17,92%. Đây được xem là chỉ số rất lạc quan của những khán giả đã bình chọn cho thầy trò ông Park mặc dù Đội tuyển Việt Nam được đánh giá về chuyên môn là yếu nhất bảng. 

Trước trận đấu đầu tiên ở vòng loại thứ 3 gặp Saudi Arabia, trang chủ của AFC có mở mục bình chọn kết quả. Tỉ lệ bình chọn cho Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng cao nhất lên đến hơn 50%, tỉ lệ bình chọn kết quả 2 đội hoà thậm chí còn cao hơn cả Saudi Arabia thắng. Và giá như, trận đấu dừng ở phút 53, trước khi Duy Mạnh bị thẻ đó, có lẽ số đông bình chọn đã đúng.

Phải chăng do chỉ số lạc quan quá lớn mà cách phản ứng với thất bại của Đội tuyển Việt Nam trước Saudi Arabia lại diễn ra quá khích hơn mức bình thường? Sau bàn thắng của Quang Hải ở phút thứ 3, khán giả đã nghĩ về địa chấn, thậm chí lạc quan hơn nữa có thể đã nghĩ đến World Cup. Nhưng sau tấm thẻ đỏ của Duy Mạnh ở phút 53, mọi thứ sụp đổ.

Bóng đá suy cho cùng, không phải chỉ quyết tâm và có tinh thần lạc quan là đủ. Bóng đá quyết định thắng thua bằng thực lực và bằng luật thi đấu. Đội tuyển Việt Nam đã thua Saudi Arabia bằng cả hai điều này. Nếu nói Saudi Arabia may mắn mới thắng cũng là không công bằng. Nếu như Saudi Arabia không gây sức ép Việt Nam liên tục như vậy, may mắn có đến với họ? 

Sau trận đấu với Saudi Arabia, Huấn luyện viên Park từ chối bắt tay với người đồng nghiệp Herve Renard. Lý do ông đưa ra vì ông Renard đã có những ý kiến khi trợ lý Tuyển Việt Nam khiếu nại với trọng tài. Đây không phải lần đầu tiên ông Park từ chối bắt tay với các đồng nghiệp bên kia chiến tuyến. Nhìn vào cách mà ông Park giải thích cho tất cả trường hợp đều nhận được sự cảm thông về mặt tình cảm. Nhưng về mặt ngoại giao, đó là điều dễ để lại ấn tượng không tốt. 

Và không bất ngờ nếu các trọng tài của AFC sẽ “ấn tượng” với cổ động viên Việt Nam. Chỉ số lạc quan cao là điều tốt, nhưng nó nên gắn với cả lý trí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn