MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người hâm mộ vẫn là tài sản quý giá nhất của ngành công nghiệp bóng đá. Ảnh: AFP

Hậu Super League: Rồi bóng đá sẽ còn đi về đâu nữa?

lê vinh LDO | 01/05/2021 21:08
Có một nhận định về bóng đá thế giới nhưng không phải ai cũng biết và đến hiện tại thì những người biết có khi… phớt lờ nó, ấy là, “Bóng đá chỉ dành cho con người đến thập niên 90”. Khó có thể biết đích xác khởi nguồn từ đâu, nhưng sau khi chứng kiến những đổi thay của bóng đá thế giới, nhận định đó đã đúng, ít nhất là... một nửa.

Bóng đá cho con người

“Một nửa”, bởi những nhân vật chính trên sân vẫn là con người, là các cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên,... Nhưng cùng với người hâm mộ khắp thế giới, cuộc chơi đã không còn được sống trọn vẹn trong những cảm xúc của con người. Bóng đá đã bị chi phối bởi nhiều yếu tố, từ tài chính cho đến khoa học công nghệ...

Tất nhiên, trong tiến trình phát triển, đòi hỏi về yếu tố tài chính hay sự xuất hiện của công nghệ là điều đương nhiên. Thế nhưng, với mong muốn vươn rộng, vươn xa và khát khao tìm kiếm sự tuyệt đối, chính con người đã để các yếu tố khác can thiệp quá thô bạo vào bóng đá, môn thể thao Vua vốn cần niềm đam mê, cảm hứng và bước ra sân là hướng đến mục tiêu vị nghệ thuật.

Giờ đây, có bao nhiêu cầu thủ chuyên nghiệp trên thế giới ra sân thi đấu vì đam mê? Bóng đá ở các quốc gia phát triển đương nhiên tạo ra những ảnh hưởng lớn nhất và cũng chính là nơi bị can thiệp thô bạo nhất. Lionel Messi, Neymar cùng nhiều ngôi sao khác có kỹ thuật cá nhân thượng thừa, nhưng không nhận được sự hòa nhịp từ các hậu vệ đối phương cũng như chiến thuật, yêu cầu đòi hỏi của bóng đá thời đại mới.

Nói cách khác, sự tôn trọng lẫn nhau đã giảm đến mức thấp nhất có thể trong bóng đá hiện đại. Khó có thể dùng thành tích để bao biện cho điều đó, bởi nếu là sự tôn trọng thực sự, hãy nhìn về quá khứ gần đây nhất, với những Paolo Maldini, Fabio Cannavaro, Alessandro Nesta, Marcel Desaily, Lilian Thuram, Laurent Blanc, Roberto Carlos, Cafu… những cái tên đủ xuất sắc, đủ sự tôn trọng để đối đầu với những siêu sao như Zinedine Zidane, Ronaldo, Rivaldo, Gabriel Batistuta, Dennis Bergkamp, Alessandro del Piero, Davor Suker…

Và đừng quên, những cái tên nói trên đều nằm trong danh sách ứng viên giành Quả bóng vàng năm 1998…

Bóng đá phục vụ lợi nhuận

Ngày nay, bóng đá là gì? Là Cristiano Ronaldo và Messi thay nhau giữ Quả bóng vàng suốt 1 thập kỷ; Là huấn luyện viên Pep Guardiola kêu than và muốn 1 năm có… 400 ngày; Là mỗi lần kết thúc trận đấu lại phải nghĩ về trận tiếp theo sau đó 3 ngày; Là những thứ oái oăm đến khó tin xảy ra cùng với công nghệ VAR; Là những chỉ trích, chê bai, phê phán, đổ lỗi trong mọi hoàn cảnh khi không ai chấp nhận phần thiệt về mình…

Quá nhiều thành không hay. FIFA lẫn UEFA nghĩ ra thêm những giải đấu mới để rồi lại "khai tử", sáp nhập, rồi lại hình thành... Và các đội bóng, cầu thủ chỉ đóng vai những con rối.

European Super League (ESL) mới được tuyên bố thành lập vấp phải sự phản đối của chính các huấn luyện viên, các cầu thủ vì dễ hiểu là họ không muốn phải ra sân nhiều hơn nữa, hoặc không thấy ý nghĩa thực sự của nó là hướng đến cộng đồng bóng đá. Và đây còn là chuyện của tiền, quyền lợi rồi cả đấu đá chính trị từ giới chóp bu càng khiến cho câu hỏi bóng đá sẽ đi về đâu được thôi thúc tìm câu trả lời.

ESL bị phản đối và "khai tử" từ trong kế hoạch, nhưng Champions League cải tổ cũng đâu nhận được sự đồng tình? Vì một điều đơn giản thôi, những nhà tổ chức đâu có nghĩ về “bóng đá-con người” mà tất cả giờ đây là “bóng đá-lợi nhuận”.

Các ngôi sao hàng đầu có thu nhập hàng chục triệu Euro, cao gấp vài lần ngân sách của nhiều đội bóng. Đó cũng đâu phải là sự công bằng? Champions League quy tụ các đội bóng lớn nhưng thực tế thì phần nhiều trong số họ đâu phải là nhà vô địch ở các quốc gia. Đó đâu phải là sự công bằng cho các đội vô địch ở quốc gia khác?

Chênh lệch trình độ ư? Khi nước cứ chảy chỗ trũng thì “mục tiêu cao cả” mà các tổ chức quản lý hướng đến còn lâu mới đạt được.

ESL có thể “chết yểu”, nhưng cái chết của nó nên là thứ để tất cả suy nghĩ về việc đưa giá trị đích thực của bóng đá trở lại. Trừ khi dành hẳn bóng đá cho... robot, giữa cảm giác "đói khát", chờ đợi từng trận đấu vẫn thấy sướng và sự bội thực mà “xem xong là quên” vì cảm xúc còn… mải đi chơi xa, fan hâm mộ chọn thứ nào?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn