MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bản quyền World Cup 2018 được "giải cứu" vào phút chót.

Hậu trường “giải cứu” bản quyền World Cup 2018

HOÀI ĐAN LDO | 11/06/2018 17:40

Viettel và Vingroup là 2 cái tên xuất hiện sau cùng trong vụ “giải cứu” bản quyền World Cup 2018 ở Việt Nam. Hậu trường của câu chuyện chắc không nhiều người biết.

Năm 2005, Tập đoàn FPT từng mua được bản quyền World Cup 2006 nhưng bán lại toàn bộ cho VTV và HTV vì không tìm thấy cơ hội kinh doanh có lãi. Sự tham gia của doanh nghiệp vào câu chuyện bản quyền World Cup dừng lại ở đó và khi đó thời giá bản quyền chưa leo thang chóng mặt.

Từ đó, không còn doanh nghiệp nào “thử chơi” như FPT vì rủi ro tài chính là 100%. Hệ quả là chỉ còn VTV với tư cách là đài truyền hình quốc gia trở thành đơn vị duy nhất phải gồng gánh, tìm mọi biện pháp đem về bản quyền World Cup 2 kỳ tiếp đó.

Tuy nhiên, tiền bản quyền ngày càng leo thang chóng mặt và đàm phán cũng phức tạp hơn nhiều. VTV cũng không thể một mình chịu lỗ khủng nếu buộc phải mua bản quyền World Cup.

Trong khi đó, việc tìm đơn vị đồng hành không dễ, bởi nếu điều này được giải quyết bằng trao đổi quyền lợi tương đương thì mọi việc đã không phức tạp. Vấn đề là quyền lợi được đưa ra luôn phải nhỏ hơn số tiền và công sức mà doanh nghiệp phải đầu tư thì VTV mới có thể đem bản quyền về phục vụ người hâm mộ. Nói cách khác, doanh nghiệp tham gia phải xác định “phục vụ nhân dân là chính”. Cùng thời điểm đó, mức giá 15 triệu USD mà Infront Sports&Media (ISM) đưa ra càng khiến VTV bối rối.

Vào lúc khó khăn, VTV đã tìm thấy một đối tác phù hợp với tiêu chí “phục vụ nhân dân là chính”- Đó là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel). Đơn vị này sẵn sàng trở thành đối tác hỗ trợ tài chính trong việc đàm phán bản quyền. Tuy nhiên, mô hình mà VTV và Viettel thực hiện không giống trước đây với FPT mà học từ nước ngoài.

Tại Thái Lan, 9 doanh nghiệp lập một nhóm để đàm phán bản quyền World Cup 2018. Quỹ này do King Power - doanh nghiệp của ông chủ sở hữu CLB Leicester tại Premier League - đứng đầu. Tổng số tiền mà 9 công ty này phải chi khoảng 43,7 triệu USD. Singapore cũng làm tương tự với giá 18,8 triệu USD bằng sự hợp sức của ba hãng truyền thông lớn là Mediacorp, Singtel và StarHub.

Và vào phút chót, một doanh nghiệp khác (Vingroup) đã tham dự (ngày 7.6) và bản quyền World Cup 2018 chính thức được “giải cứu” vào 8.6.2018.

Ở đây, cả 2 doanh nghiệp lớn tham gia “chiến dịch giải cứu bản quyền World Cup 2018” đều không đặt nặng vấn đề quyền lợi. Họ cũng chỉ xuất hiện vào lúc cuối cùng khi mọi việc đã hoàn tất. Mô hình hợp tác với sự đồng hành của những thương hiệu như Viettel và Vingroup sẽ là hình mẫu cho những thương vụ hợp tác khác trong tương lai mà yếu tố phục vụ cộng đồng cần đặt lên trước lợi ích thương mại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn