MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải UIM F1H2O World Championship sẽ diễn ra từ ngày 29-31.3 trên "đấu trường xanh" Thị Nại (Bình Định). Ảnh: Ban tổ chức

Hé lộ thể thức thi đấu giải đua siêu tốc độ ở Bình Định

Hoài Phương LDO | 27/03/2024 07:25

Bình Định - Theo Ban tổ chức, Giải UIM F1H2O World Championship sẽ thi đấu 6 - 8 chặng Grand Prix, với sự góp mặt của 10 đội đua đến từ các quốc gia khác nhau, mỗi đội sẽ có 2 thành viên tham gia tranh tài.

This browser does not support the video element.

Chỉ ít ngày nữa, Giải đua UIM F1H2O World Championship sẽ chính thức khởi tranh tại "đấu trường xanh" Thị Nại (TP Quy Nhơn), hứa hẹn mang đến những trận đua nghẹt thở và kịch tính cho khán giả Việt Nam. Đặc biệt, tại giải đua lần này, Việt Nam có Đội đua thuyền máy F1H2O Bình Định - Việt Nam cùng tranh tài với các nước như: Trung Quốc, Ả Rập Xê-út, Pháp, Thụy Điển…

Thể thức thi đấu giải đua "siêu tốc độ"

Theo Ban tổ chức, UIM F1H2O là giải đua thuyền máy công thức 1 có tốc độ cao nhất trên thế giới, tương tự như giải đua xe F1. Giải đấu do Liên đoàn thuyền máy quốc tế (Union Internationale Motonautique - UIM) tổ chức và được H2O Racing quảng bá, nên được viết tắt là F1H2O.

Giải UIM F1H2O World Chapionship sẽ thi đấu 6 - 8 chặng Grand Prix. Ảnh: Ban tổ chức

Về thể thức thi đấu, Giải UIM F1H2O World Championship sẽ thi đấu 6 - 8 chặng Grand Prix, với sự tham gia của 10 đội đua đến từ các quốc gia khác nhau, mỗi đội sẽ có 2 thành viên. Các chặng Grand Prix sẽ được diễn ra ở khu vực Châu Âu, Châu Á và Trung Đông. Mỗi chặng sẽ có 3 ngày thi đấu: Ngày đầu sẽ thi đấu Qualifying giành Pole (giành vị trí xuất phát), ngày thứ 2 là cuộc đua nước rút tính điểm (Sprint Race) và ngày cuối cùng là vòng đua chính (Final Race).

Trong đó, Qualifying sẽ diễn ra trước chặng đua chính, đây là vòng đua nhằm xác định thứ hạng xuất phát cho các tay đua trong chặng đua chính (Pole). Các tay đua có thể bị phạt nếu dừng lại không cần thiết trên đường đua hoặc cản trở tay đua khác trong quá trình phân hạng.

Hai tay đua Đội đua thuyền máy F1H2O Bình Định - Việt Nam: Stefan Arand (bên trái) và Jonas Andersson (bên phải). Ảnh: Ban tổ chức

Sprint Race - vòng nước rút: Mỗi đường đua của vòng thi này có kích thước khác nhau, nhưng thông thường có chiều dài khoảng 2.000m. Đây là chặng mới được bổ sung trong năm 2023 để tính thành tích cá nhân của các tay đua.

Final Race - vòng đua chính: Trong 45 phút tranh tài, các tay đua sẽ thi đấu vòng quanh một đường đua (sa hình) đã được đánh dấu. Thứ tự xuất phát của các tay đua sẽ được xác định từ kết quả vòng Qualifying. Trải qua 30 vòng (lap), người chiến thắng sẽ là tay đua hoàn thành vòng đua chính với thời gian nhanh nhất.

Mỗi chiếc thuyền đua của Đội Bình Định - Việt Nam có giá hơn 18 tỉ đồng. Ảnh: Ban tổ chức

Về luật thi đấu, các tay đua phải sử dụng thuyền máy được thiết kế theo quy định của UIM. Tốc độ tối đa của thuyền máy là 250km/h.

Các tay đua không được phép va chạm với nhau hoặc với các chướng ngại vật trên đường đua. Tay đua nào vi phạm luật thì sẽ bị phạt, nặng nhất là bị loại khỏi cuộc đua.

Bám sát điều kiện nước, đảm bảo an toàn cho tay đua

Theo Ban tổ chức, điều kiện nước (dòng chảy, gió, độ mặn, nhiệt độ) có vai trò quan trọng trong kết quả của mỗi chặng đua F1H2O. Trong đó, dòng chảy và gió là 2 yếu tố thường gây khó khăn nhiều nhất cho các tay đua, bởi trong quá trình rượt đuổi, dòng chảy sẽ khiến tốc độ bị ảnh hưởng, gió mạnh sẽ tạo ra các con sóng lớn, gây khó khăn cho việc điều khiển thuyền đua.

Ngoài ra, độ mặn của nước sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ, nhiệt độ nước sẽ thay đổi độ bám của lốp thuyền. Do đó, Ban tổ chức F1H2O sẽ theo dõi chặt chẽ các điều kiện nước. Trường hợp điều kiện nước nguy hiểm, các cuộc đua có thể bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Chia sẻ với truyền thông, ông Johan Osterberg - chuyên gia kỹ thuật Đội đua thuyền máy F1H2O Bình Định - Việt Nam - chia sẻ: Chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả mọi thứ như nguồn điện, động cơ... để kịp bắt đầu cho buổi tập luyện vào thứ Sáu tuần này. Điều kiện thi đấu ở đây thật tuyệt vời, mặc dù thời tiết hơi nóng nhưng chúng tôi có thể thích nghi được. Đây chắc hẳn là một cuộc đua tuyệt vời.

Theo ông Johan Osterberg, các con thuyền đua đều có cấu tạo giống nhau nhưng sẽ có xuất xứ khác nhau. Sau khi được các đội đua lựa chọn, các con thuyền sẽ được lắp ráp thêm một số linh kiện để hiệu suất hoạt động của được tốt hơn. Riêng con thuyền của đội Việt Nam, tay đua Jonas đã tự mình hoàn thiện với thời gian khá lâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn