MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngôi sao của bóng đá Việt Nam cần được đá cùng, hoặc đối đầu các ngoại binh có tư duy chơi bóng đỉnh cao. Ảnh: Minh Dân

Hệ thống bóng đá Việt Nam phải tự thay đổi

TAM NGUYÊN LDO | 07/03/2024 07:55

Bóng đá chuyên nghiệp không thể thiếu nhân tố ngoại, nên nếu muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các ngoại binh, không còn cách nào khác là hệ thống bóng đá Việt Nam phải tự thay đổi.

Thay đổi từ cầu thủ

Khi những lợi ích của việc các câu lạc bộ tại V.League được phép đăng ký cầu thủ ngoại đã được chỉ ra, không ai phủ nhận cả. Rõ ràng, với những nhân tố - dù chỉ cần nói về thể hình và thể lực chứ chưa đụng đến yếu tố chuyên môn, bản thân cầu thủ Việt Nam đã phải nỗ lực nhiều hơn khi phải đối đầu.

Có thể thấy, những Ngọc Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Tiến Dũng hay gần đây là Việt Anh - chủ yếu là các trung vệ, có sự trưởng thành, phát triển và chín chắn vượt bậc từ kinh nghiệm đối đầu với cầu thủ ngoại.

Tuy vậy, sự trưởng thành đó của một vài cá nhân là không đủ. Người ta vẫn cần nhiều hơn sự nỗ lực trong sinh hoạt, tập luyện, rèn luyện, nâng cao thể lực, sức bền cho cuộc chơi đỉnh cao kéo dài 90 phút hoặc hơn thế.

Cứ nhìn lại Asian Cup 2023 vừa qua, hay các trận đấu gặp những đối thủ mạnh, thiên về thể lực sẽ thấy, bóng đá Việt Nam vốn chỉ ổn trong khoảng 60 phút. Huấn luyện viên Philippe Troussier chủ yếu phải thay người liên quan đến vấn đề thể lực chứ không phải chuyện chuyên môn.

Trong triết lý mới của ông Troussier ở đội tuyển, không có ai là “hạt nhân” trong lối chơi cả. Mọi thành viên phải hoạt động với cường độ cao như nhau. Trong khi đó, ở câu lạc bộ, nhiều ngôi sao được xây dựng là tâm điểm, do vậy, khi lối chơi xoay quanh họ và phụ thuộc ngoại binh, thể lực là vấn đề.

… tới các huấn luyện viên, câu lạc bộ…

Cầu thủ thay đổi nhưng không thể một mình kéo bóng đá Việt Nam khỏi sự phụ thuộc vào ngoại binh. Cần cả hệ thống, trong đó, câu lạc bộ chính là nền tảng.

Lâu nay, người ta vẫn lấy lý do “thành tích” để biện hộ cho việc xây dựng lối chơi phụ thuộc vào ngoại binh ở 2 đầu sân - trung vệ và tiền đạo. Bởi có thành tích thì mới kéo được doanh nghiệp, nhà tài trợ…

Nhưng xét cho cùng, khi người xem đang ngày càng trở nên giỏi hơn, tinh ý hơn, yêu cầu cao hơn, chiến thắng sẽ không trọn vẹn nếu khi những đường chuyền dài, tạt bổng, cho ngoại binh tạo nên sự nhàm chán. Kéo dài… sẽ phải thấy rằng, trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh, những tranh cãi, những kiểu mỉa mai, chơi khăm tạo nên áp lực khiến người ta không thể sống mãi với cách nghĩ cùn, tư duy AQ rằng “chiến thắng cuối cùng mới là đáng giá nhất”.

Một lối chơi, một phong cách, một triết lý sẽ không thể kéo dài. Ngược lại, việc tạo ra bản sắc riêng - xuất phát từ công tác đào tạo trẻ, sẽ là sự tồn tại thu hút người hâm mộ. Khi đó, việc chiêu mộ ngoại binh sẽ chỉ hướng đến mục tiêu góp phần phát triển bản sắc, không phải sự phụ thuộc.

… và VPF, VFF

Như đã nói trên, không thể xóa bỏ việc tuyển mộ cầu thủ ngoại mà sẽ cần tìm hướng đi để “ngoại lực” này thực sự là yếu tố “thúc đẩy” chứ không phải “gánh” cho nền bóng đá. Rất nhiều cầu thủ Brazil đang ở V.League, nhưng cầu thủ nội có học hỏi được gì từ kỹ thuật của họ? Nhiều nhân tố đến từ châu Phi, hiếm hoi cầu thủ từ châu Âu (không tính các cầu thủ Việt kiều), châu Á thì hoàn toàn vắng bóng ở V.League.

Nên chăng, có một sự định hướng nhất định khi tìm kiếm cầu thủ ngoại từ các nền bóng đá hàng đầu châu Á. Trong bóng đá hiện đại, tư duy chơi là một yếu tố quan trọng khác để có thể bù đắp cho yếu tố thể hình. Vậy nên, cần tìm kiếm nhiều hơn những nhân tố “chơi bóng bằng đầu”.

Bên cạnh đó, các đơn vị đứng đầu của bóng đá Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của nhiều nền bóng đá trong việc đưa ra các quy định liên quan đến cầu thủ trẻ để họ được ra sân thường xuyên, hạn chế việc câu lạc bộ chỉ dùng theo kiểu “lách luật”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn