MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiểu đúng vấn đề khi so sánh bóng đá nam và nữ

LÊ VINH LDO | 09/02/2022 11:15
Nói về triết học, người ta nói đến 6 cặp phạm trù gồm cái chung và cái riêng, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực. Hay người ta cũng nói rằng, việc gì cũng có 2 mặt, để từ đó, sự so sánh luôn là thứ được xuất hiện trong bất kỳ sự việc nào. 

Khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành tấm vé dự World Cup, bên cạnh những lời ca ngợi là câu chuyện so sánh. Ở đó, người ta dễ dàng đặt thành công của bóng đá nữ lên bàn cân để so sánh với bóng đá nam. Mục đích của sự so sánh này, không gì khác, ngoài chuyện đề cập đến cách đối xử có phần bất công giữa hai đội tuyển.

Quả thực, sau đội U.20 nam và đội futsal nam, tuyển nữ là đội bóng đá thứ ba của Việt Nam đến với sân chơi World Cup dù không được đầu tư nhiều như đội tuyển nam. Về mặt hiện tượng, giữa tuyển nữ luôn ở tâm điểm của muôn trùng vây khó khăn và sự quan tâm sâu sát, chiều chuộng dành cho tuyển nam, đó là sự phản chiếu dễ làm người ta mất lòng.

Thế nhưng, liệu sự so sánh đó có xứng đáng để dẫn đến những lời chỉ trích nhằm vào sự phát triển chậm chạp của bóng đá nam? Nếu đã so sánh về hiện tượng, hãy nói cả về bản chất của vấn đề, của sự khác biệt giữa bóng đá nam với bóng đá nữ là sự phát triển, yếu tố cạnh tranh và cơ hội.

Lấy ví dụ về vòng loại World Cup 2022 của nam World Cup 2023 của nữ, số lượng đội tham dự lần lượt là 207 và 173 từ 6 châu lục. Ở khu vực Châu Á, có 4,5 suất dự vòng chung kết cho các đội nam, từ 46 đội tham dự vòng loại, trong khi bóng đá nữ có 5 suất chính thức và 2 suất đá play-off liên lục địa khi chỉ có 27 đội đá vòng loại.

Với bóng đá nam, sức cạnh tranh là vô cùng khắc nghiệt và việc chỉ có tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại thứ ba lần này khẳng định điều đó. Nhưng so với riêng Châu Á, bóng đá nam Việt Nam đâu đã phải trong nhóm những nền bóng đá mạnh nhất!? Trong khi đó, bóng đá nữ phát triển không phải rộng khắp và phải thấy rằng, bóng đá nữ Việt Nam được tạo điều kiện khá nhiều để tập trung phát triển. Tất nhiên, vẫn là chưa thể đủ, vì thực tế chẳng ai biết bao nhiêu là đủ.

Triết học cũng có quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, chỉ ra rằng, nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng. Do đó, thay vì so sánh đặt ra mâu thuẫn, hãy giải quyết nó để kêu gọi bằng cách tự hỏi bản thân đã lần nào bật TV xem các trận đấu của đội tuyển nữ ở vòng bảng Asian Cup vừa qua, hay đơn giản hơn là đã bao giờ mua vé đến xem giải bóng đá nữ quốc gia? Đó cũng là đóng góp, là đầu tư cho bóng đá nữ! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn