MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huấn luyện viên Troussier cùng Tuyển Việt Nam đã lên đường dự Asian Cup 2023. Ảnh: VFF

Huấn luyện viên Troussier và sự phản biện

TAM NGUYÊN LDO | 06/01/2024 07:37

Xét cho cùng, niềm tin dành cho ông Troussier và Đội tuyển Việt Nam chỉ được hình thành trên cả quá trình và đạt đỉnh ở kết quả…

Khi ông Troussier “giận lẫy”

Trong buổi họp báo vào chiều 4.1 để công bố danh sách 30 cầu thủ đội tuyển bóng đá nam quốc gia sang Qatar chuẩn bị cho vòng chung kết, Huấn luyện viên Philippe Troussier đã chia sẻ khá nhiều vấn đề.

Một trong những khía cạnh được quan tâm nhất - vì ông nói dài nhất, là quan điểm của người hâm mộ về vị trí của ông, về niềm tin dành cho đội tuyển.

Kể từ khi nhậm chức, đây là lần đầu tiên huấn luyện viên người Pháp đề cập đến vấn đề này một cách trực diện. Sự thẳng thắn của ông được ghi nhận, nhưng ở góc độ nào đó, theo cách nghĩ thông thường, có một sự “giận” trong chiến lược gia 68 tuổi, nhưng chỉ ở mức “giận lẫy” chứ không phải là sự “giận dỗi”. Có một chút “hờn” mang tính trách móc mà không phải sự gay gắt mang tính đối đầu.

Vì sao vậy? Đó có thể được hiểu là khi ông đưa ra con số “80% không tin Tuyển Việt Nam thành công, không ủng hộ đội tuyển quốc gia”. 80% đó xuất phát từ đâu? Như ông Troussier nói thì từ việc ông “đọc tin tức và bình luận”.

“Rất nhiều người ước Philippe Troussier nghỉ việc, rất nhiều người không ủng hộ đội tuyển” - ông nói.

Rõ ràng, ở vị trí của một người lãnh đạo đội tuyển, đứng trước con số thống kê - mà ông ước lượng, có chiều hướng tiêu cực như vậy, không thể không buồn. Diễn giải theo góc độ nghị trường thì “phiếu tín nhiệm thấp của ông Troussier đang ở mức rất cao”.

Cần sự phản biện bằng hành động và kết quả

Có một điều cần khẳng định rằng, ông Troussier có một chút sai lầm khi nói về việc người hâm mộ “không ủng hộ đội tuyển quốc gia”. Ngược lại, người hâm mộ luôn hết lòng vì đội tuyển, ủng hộ đội tuyển. Chỉ là trong giai đoạn này, niềm tin không cao. Về niềm tin thì ông Troussier nói đúng, với đông đảo thể hiện điều đó một cách rõ ràng.

Vì sao ư? Bản thân ông Troussier cũng đã đưa ra câu trả lời.

“Hiện tại đối với bóng đá Việt Nam là bí ẩn, chúng ta không biết điều gì có thể xảy ra” - ông nói.

Hẳn nhiên rồi, ngay ngày mai thôi, thậm chí từng giờ, từng phút phía trước thôi đã là bí ẩn chứ không nói đến con đường, đến hành trình dài của bóng đá Việt Nam. Và màn sương của sự bí ẩn càng đặc quánh hơn khi hành trình đã qua của đội tuyển dưới thời ông Troussier chưa có nền móng cho niềm tin, sự thuyết phục.

Vậy nên, để khiến con số 80 nhỏ dần lại - đơn giản vậy đã, chứ chưa cần lập tức về 0, ông Troussier phải có sự phản biện bằng hành động và kết quả thực tế. Ông nói rằng, ông và các cầu thủ đang có sự tin tưởng lẫn nhau, đó là điều quan trọng nhất. Nhưng sẽ phải là thực tế chứ không phải qua những lời nói. Nói chính xác là, các trận đấu sẽ trả lời cho niềm tin tạo thành sự nỗ lực, gắn kết, cách thể hiện và kết quả.

Người hâm mộ của hiện tại (chưa nói đến các chuyên gia) biết và hiểu bóng đá, thậm chí cũng có thể “đọc” trận đấu không kém gì chuyên gia. Vì thế, áp lực dành cho ông Troussier nói riêng và các huấn luyện viên nói chung ngày càng lớn. Do đó, ông Troussier và đội tuyển cần gì để “phản biện”?

Đó có thể chỉ là một pha lên bóng hay với sự kết hợp của nhiều cầu thủ. Có thể là một pha thoát pressing. Có thể là sự đồng bộ, là “nhắm mắt cũng chuyền chính xác cho đồng đội”… Đó là từng chi tiết, góp nhặt lại để cho niềm tin trong người hâm mộ lớn dần lên, chứ không hẳn là phát biểu về khả năng thắng Tuyển Nhật Bản theo kiểu “biết đâu đấy”.

Nói vậy chỉ càng khiến những người vốn đã không ủng hộ càng có lý do để nuôi dưỡng suy nghĩ đó lớn hơn…

Sáng 5.1, lãnh đội, Huấn luyện viên Troussier, Ban huấn luyện và 30 cầu thủ Đội tuyển Việt Nam đã di chuyển từ trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), chuẩn bị cho chuyến bay sang Doha (Qatar).

Theo kế hoạch, trong thời gian tập huấn tại Qatar, Đội tuyển Việt Nam thi đấu trận đấu giao hữu mang tính chất tổng duyệt với tuyển Kyrgyzstan vào ngày 9.1. Thông qua cuộc đọ sức này, Huấn luyện viên Troussier và Ban huấn luyện sẽ có cái nhìn toàn diện về chiến thuật, lối chơi của toàn đội để kịp thời điều chỉnh.

Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á, các đội tuyển được quyền thay đổi nhân sự vào thời điểm 1 ngày trước khi trận đấu đầu tiên của mình diễn ra. Do vậy, từ đây cho đến ngày 13.1 (tức trước 1 ngày trận gặp Tuyển Nhật Bản), ông Troussier sẽ chốt danh sách chính thức 26 cầu thủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn