MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở đội U.23 Việt Nam cũng được giao chỉ tiêu giành huy chương vàng SEA Games 31. Ảnh: VFF

Hướng đến SEA Games 31: 150 huy chương vàng SEA Games nhiều hay ít?

Tam Nguyên LDO | 29/04/2022 10:31

Vì sao thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 với lượng vận động viên đông đảo nhất từ trước đến nay nhưng mục tiêu đề ra lại không bằng cách đây 19 năm?

Lễ xuất quân và mục tiêu nhất toàn đoàn

Tối 28.4, Lễ xuất quân tham dự SEA Games 31 của Đoàn thể thao Việt Nam đã diễn ra tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Đây là hoạt động thường thấy trước mỗi sự kiện lớn mà thể thao Việt Nam tham dự. Lễ xuất quân diễn ra ngắn gọn nhưng trang trọng và ý nghĩa, khơi dậy tinh thần và khát vọng cống hiến của các thành viên trong đoàn trước khi bước vào tranh tài tại kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 31 trong lịch sử.

Tại SEA Games trên sân nhà, Đoàn thể thao Việt Nam có tổng cộng 1.341 thành viên, trong đó có 951 vận động viên. Số vận động viên của từng môn gồm Điền kinh 65 vận động viên, Thể thao điện tử (62), Bóng đá (44), Xe đạp (35), Bắn súng (31), Bóng chuyền (28), Taekwondo (27), Vovinam (27), Judo (26), Đấu kiếm (24), Karatedo (21), Vật (18), Pencak silat (18), Kurush (17), Wushu (16), Bắn cung (16), Quyền anh (13), Thể dục dụng cụ (12), Thể dục nghệ thuật (12), Muay (12), 3 môn phối hợp (11), Kick-boxing (12), Khiêu vũ thể thao (8), Aerobic (7), Jujitsu (6).

Chủ nhà Việt Nam là đoàn có số vận động viên đông đảo nhất, trong khi các quốc gia khác đăng ký số lượng lần lượt là Thái Lan (871), Malaysia (654), Philippines (643), Indonesia (541), Campuchia (494), Singapore (474), Lào (363), Myanmar (352), Timor Leste (69), Brunei (24). Và với việc tham dự đủ 40 môn thể thao tại Đại hội, không khó hiểu khi thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành vị trí nhất toàn đoàn, với khoảng 140 đến 150 huy chương vàng.

Ít hơn SEA Games 2003 nhưng là thực tế hợp lý

Đây là lần thứ hai Việt Nam tổ chức SEA Games. Cùng lợi thế sân nhà và lịch sử của Đại hội thể thao khu vực, hầu hết các quốc gia chủ nhà đều có thành tích tốt, việc đặt mục tiêu nhất toàn đoàn ở kỳ SEA Games này là không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, với chỉ tiêu khoảng 140 đến 150 huy chương vàng, liệu đây có phải là bước lùi, cho dù số vận động viên đông đảo hơn?

Nhìn lại quá khứ, ở kỳ SEA Games 2003, 752 vận động viên mang về cho thể thao 158 huy chương vàng trong tổng số 346 huy chương, qua đó, giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng, nhiều hơn đoàn Thái Lan (90 huy chương vàng) bám đuổi gần nhất gần gấp đôi.

Vậy thì tại sao, chỉ tiêu đặt ra ở kỳ SEA Games này lại thấp hơn? Có thể thấy, mặc dù chỉ tiêu thấp hơn nhưng lại là đánh giá hoàn toàn hợp lý dựa trên tình hình hiện tại. Tính đến thời điểm này, thể thao Việt Nam giành tổng cộng 928 huy chương vàng trong 16 kỳ SEA Games, nhưng ngoại trừ năm 2003, không có kỳ nào số huy chương vàng chạm mốc 100.

Trên thành tích tổng, Việt Nam xếp thứ 6, trong khi 4/5 quốc gia xếp trên đều đã vượt 1.000 huy chương vàng (Thái Lan và Indonesia đã tiệm cận 2.000). Tất nhiên, đó là vì họ dự nhiều kỳ SEA Games hơn, nhưng cũng phải thấy các vận động viên của họ chất lượng cùng nhiều môn thế mạnh.

Không tính 4 kỳ SEA Games đầu tiên mà số vận động viên chỉ khoảng trên, dưới 100, bắt đầu từ năm 1997 - tại Jakarta (Indonesia), thể thao Việt Nam mới có sự tăng trưởng mạnh về huy chương vàng, nhưng thành tích chung tốt nhất là 2 lần đứng thứ 2 (2009, 2019) và 6 lần đứng thứ 3 (2005, 2007, 2011, 2013, 2015, 2017).

Trong giai đoạn vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, vận động viên Việt Nam không được thi đấu, cọ xát nhiều ở các giải quốc tế nên đánh giá chất lượng chỉ mang tính tương đối. Đây là khó khăn chung cho các đoàn thể thao, nhưng khó khăn khác cho chủ nhà Việt Nam lần này là khá nhiều gương mặt được kỳ vọng mang về số huy chương không nhỏ là Hoàng Xuân Vinh (Bắn súng), Thạch Kim Tuấn (Cử tạ), Lê Tú Chinh (Điền kinh), Nguyễn Thu Nhi (Boxing), Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi) đều không tham dự vì lý do khác nhau.

Ngoài ra, lý do quan trọng khác là SEA Games lần này được xác định là “kỳ Đại hội công bằng”, hướng các quốc gia đến sự phát triển về các môn thể thao Olympic hơn là tập trung “vơ vét” huy chương, báo cáo thành tích. Do vậy, có thể nói, chỉ tiêu đặt ra cho kỳ Đại hội này là phù hợp. 

Chỉ tiêu huy chương vàng cụ thể cho từng môn

Từ 16 trở lên: Điền kinh

7-9: Aerobic, Bơi, Canoeing, Rowing, Khiêu vũ thể thao, Pencak silat, Thể dục dụng cụ, Vovinam, Wushu.

5-7: Bắn cung, Bắn súng, Cử tạ, Đấu kiếm, Judo, Karate, Quyền anh, Taekwondo, Thể hình, Vật.

1: Bóng đá nam, Bóng đá nữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn