MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyển nữ Việt Nam giành HCV đầy cảm xúc. Ảnh: DP

Huy chương Vàng tặng cho ai?

ĐĂNG HUỲNH LDO | 31/08/2017 16:50
Sau mỗi kỳ SEA Games hay đại hội thể thao, câu hỏi luôn khiến cho nhiều VĐV luôn phải ngập ngừng là: “Huy chương Vàng dành cho ai?”.

Vô tình gặp toàn đội bóng đá nữ (sau khi đội giành được HCV SEA Games 29) ở sân bay Kuala Lumpur để làm thủ tục về nước và tranh thủ thời gian chờ xuất cảnh, tôi gặp riêng tiền vệ Tuyết Dung để nghe những chia sẻ về tấm HCV SEA Games 29, với câu hỏi: “Chiếc HCV này Dung dành cho ai?”.

Mặc dù trong đầu đã chờ đợi sẵn một câu trả lời rất “truyền thông”, thế nhưng Tuyết Dung lại rất thật: “Tôi dành cho bố mẹ, gia đình và những người luôn theo sát tôi trong những lúc tôi khó khăn nhất. Bao giờ cũng thế, bố mẹ luôn là những người không bao giờ bỏ mặc tôi dù thành công hay những lúc khó khăn nên vinh quang này, tôi muốn dành cho bố mẹ”.

Có lẽ, đó là điều tôi ấn tượng với những VĐV bước ra từ kỳ SEA Games này. Bởi lẽ, không chỉ riêng Tuyết Dung, có rất nhiều tấm HCV được dành cho người mà những VĐV cho là xứng đáng với họ chứ không phải là đại trà số đông nhưng không phải ai cũng là người hâm mộ. Đó là gia đình, những CĐV trung thành nhất với họ cả trong lúc thành công và thất bại. Đã không còn những tấm HCV được “dành cho Tổ quốc”, “dành cho người hâm mộ” một cách hình tượng như trước đây mà chúng ta vẫn thấy.

VĐV Dương Thuý Vi trên bục nhận HAV. Ảnh: H.A

Dương Thuý Vi - VĐV đầu tiên giành HCV cho Đoàn TTVN tại SEA Games 29 - cũng từng chia sẻ trong cảm xúc đầy phấn khích rằng, cô dành chính tấm HCV cho bản thân mình, cho những nỗ lực của mình bao ngày khổ luyện với những chấn thương mang trên mình. Đó là chia sẻ rất thật trước truyền thông mà không hề màu mè. Bởi cảm xúc ngay vừa chiến thắng, VĐV được sống thật với lòng mình và nghĩ về những giá trị gần gũi nhất.

Còn đối với VĐV đấu kiếm Vũ Thị Như Hoa, cô xúc động chia sẻ trong nước mắt với lời nhắn 2 đứa con của mình rằng: “Mẹ đã làm được rồi các con. Cái gì mẹ nghĩ sẽ làm được thì đã làm được rồi. Mẹ sẽ mang HCV này về cho các con”.

Một khoảnh khắc đầy xúc động của người mẹ là VĐV tham dự SEA Games 29 ở một nơi xa Việt Nam nhưng luôn hướng về những người quan trọng nhất của mình. Đó là những đứa con, thế nên chẳng có gì khó hiểu khi Như Hoa sẽ dành tấm HCV quý giá đó cho những khán giả đặc biệt của mình.

Một khoảnh khắc chân thực hơn, khi chiếc micro nền trên sân vận động ghi lại khoảnh khắc VĐV Vũ Thị Mến sau khi giành HCV nhảy xa 3 bước đã vừa khoác cờ Tổ quốc trên lưng vừa nói: “Ôi mẹ ơi, con làm được”.

Một thước phim trên sóng truyền hình trực tiếp mà Đài truyền hình Việt Nam ghi lại được hẳn sẽ khiến những người xem đều rất xúc động. Bởi đó là giá trị chân thực nhất mà thể thao mang lại.

VĐV Vũ Thị Mến và khoảnh khắc giành HCV. Ảnh: H.A

Thông điệp của thể thao

Từ Tuyết Dung, Như Hoa, Thuý Vi… và các VĐV khác nữa ở SEA Games 29 có chung suy nghĩ dành HCV cho người thân khiến nhiều người nhớ lại hình ảnh của cầu thủ bóng đá Phạm Văn Quyến.

Sau khi ghi bàn duy nhất  giúp ĐT U23 Việt Nam đánh bại đội tuyển Hàn Quốc tại Muscat (Oman) trong trận đấu ở vòng loại ASIAN Cup 2004, anh đã nói với tâm trạng đầy cảm xúc rằng bàn thắng này dành tặng mẹ. Nhưng rồi sau đó, anh được góp ý rằng nên trả lời trước truyền thông thì phải là: Dành tặng tổ quốc, dành tặng NHM.

Và thế là từ đó, cũng có nhiều VĐV không chỉ trong bóng đá mà ở các môn thể thao thành tích cao khác mỗi khi lập chiến công đều nói như lời Văn Quyến đã được “dặn” trước đây. Thế nên các câu trả lời chỉ một màu như nhau, dẫu biết rằng trong đó có cả thật tâm, có cả xã giao với truyền thông.

Bóng đá nam nợ người hâm mộ HCV. Ảnh: Đ.Đ

Đoàn Thể thao Việt Nam đã khép lại kỳ SEA Games 29 với 58 HCV, thấp hơn con số 73 HCV ở kỳ SEA Games trước. Thế nhưng, đây lại là kỳ đại hội thể thao được đánh giá chất lượng bởi các môn Olympic chiếm khoảng 90% số HCV giành được. Nó cho thấy sự chuyển hướng từ lượng sang chất, nói đúng hơn là Việt Nam đang trên đường đi tìm những giá trị thật sự của thể thao trong ngày hội vẫn được ví như “ao làng”.

Còn với các VĐV, họ cũng đang chứng minh giá trị thật của mình ở SEA Games 29. Và họ cũng có quyền dành những điều giá trị ấy cho chính những khán giả trung thành, những người xứng đáng. Bóng đá Việt Nam đã rời SEA Games 29 một cách đầy thất vọng, thế nhưng họ vẫn có những khán giả xứng đáng được tri ân, những người đã bỏ tiền bạc, thời gian đặt vé máy bay tới tận trận chung kết để cổ vũ đội tuyển.

Tiếc thay, họ không được tặng Huy chương Vàng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn