MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khách hàng của bóng đá

Lê Vinh LDO | 13/04/2024 07:30

Một trong những điều cần thay đổi khi làm bóng đá là coi người hâm mộ như khách hàng chứ không phải lực lượng theo chân và cổ vũ.

Trong thống kê mới nhất về lượng khán giả đến sân tại vòng 15 Night Wolf V.League mới đây, sân có lượng khán giả đến sân cao nhất là Thiên Trường (15.000 người), khi Nam Định gặp Quy Nhơn Bình Định. Trong khi đó, sân Hòa Xuân chỉ có 2.000 người đến theo dõi trực tiếp trận Quảng Nam gặp Hoàng Anh Gia Lai. Tính cả các sân khác, vòng 15 có trung bình 7.000 khán giả đến sân. Trong khi đó, cũng tại sân Hòa Xuân, ở giải hạng Nhất, trận Đà Nẵng gặp Hòa Bình có 3.000 người - bằng sân Bình Phước, nơi câu lạc bộ Bình Phước gặp Huế. Sân Việt Trì chỉ có 300 khán giả xem trận Phú Thọ gặp Phù Đổng.

Tính trung bình qua các vòng đấu ở Night Wolf V.League mùa này, số khán giả dao động từ 4.600 đến 8.400, nhưng ai cũng hiểu rằng, sân Thiên Trường vẫn là nơi gánh phần lớn thống kê một cách ổn định.

Nhìn sang giải Thai League của Thái Lan, trong số 16 câu lạc bộ ở mùa giải này, lượng khán giả đến sân giảm so với mùa trước, nhưng về tổng thể, chỉ số toàn giải vẫn tăng 1,7%. Trong khi đó, với V.League, 8/14 câu lạc bộ có thống kê khán giả giảm - thậm chí giảm sâu so với mùa trước - Hà Nội FC nhiều nhất (36,7%). Nên dù Quảng Nam có tăng 51%, hay TP Hồ Chí Minh có tăng 25,1% thì cũng không đủ để ngăn lượng khán giả đến sân mùa này giảm 4,2%.

Đưa ra những con số để minh chứng cho việc mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam có đủ hấp dẫn hay không. Chỉ một vài trận đấu nhiều bàn thắng, rượt đuổi tỉ số, giàu cảm xúc là chưa đủ. Ở đây, vấn đề là, các câu lạc bộ có coi người hâm mộ là “khách hàng” hay không? Chắc là không nhiều, nếu không muốn nói là không.

Cựu huấn luyện viên Đội tuyển nữ Việt Nam, Steve Darby, nói rằng, “muốn bóng đá Việt Nam phát triển bền vững, các đội V-League cần nhìn nhận người hâm mộ như những khách hàng cần chăm sóc”.

Rõ ràng, họ bỏ tiền mua vé - ngoài tình yêu với đội, còn phải được đổi lại bằng những “sản phẩm chất lượng”, ở đây là tính giải trí, sự tận hưởng. Kèm với đó là điều kiện cơ sở vật chất, sự phục vụ... để kéo theo sau đó là các câu lạc bộ thực sự kiếm tiền, sống được nhờ bóng đá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn