MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngọc Trâm (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội giành Huy chương Vàng karate tại ASIAD 19. Ảnh: Bùi Lượng

Khẳng định hình ảnh của phụ nữ Việt Nam ở sân chơi thể thao quốc tế

AN NGUYÊN (thực hiện) LDO | 20/10/2023 10:09

Với vận động viên Nguyễn Ngọc Trâm, tấm Huy chương Vàng ASIAD 19 không đơn thuần chỉ là sự ghi nhận về mặt chuyên môn mà còn là sự khẳng định vị thế và hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam ở sân chơi thể thao quốc tế.

Tại ASIAD 19 vừa qua, Ngọc Trâm và hai người đồng đội Nguyễn Thị Phương và Lưu Thị Thu Uyên đã xuất sắc mang về tấm Huy chương Vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam môn karate nội dung kata đồng đội nữ. Bạn có cảm nghĩ gì về giá trị của tấm huy chương này?

- Đến lúc này, khi nhắc lại khoảnh khắc đó, tôi vẫn rất vui sướng. Tôi nhớ như in hình ảnh trọng tài phất tín hiệu báo karate Việt Nam thắng, cô Ngân (huấn luyện viên Nguyễn Hoàng Ngân) đã ra ôm chúng tôi. Bốn cô trò cười nói, nhảy xung quanh khu vực ngoài sàn đấu.

Trước khi lên sàn đấu, chúng tôi đối diện với nhiều áp lực, bởi thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam thời điểm đó chưa tốt. Hơn nữa, nội dung này được nhắm trước cho tấm Huy chương Vàng. Khác với SEA Games, đấu trường ASIAD quy mô hơn và sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.

Chúng tôi - những nữ vận động viên Việt Nam - đã rất nỗ lực để vượt qua một kỳ đại hội với muôn vàn áp lực vô hình nhưng cũng giống như tinh thần của Bà Trưng, Bà Triệu, dòng máu người phụ nữ Việt Nam kiên cường, tôi và các đồng đội đã chiến đấu hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Trước mỗi giải đấu lớn, tinh thần Việt Nam luôn được nhấn mạnh bên cạnh yếu tố thành tích. Bạn ý thức về điều này thế nào?

- Trước mỗi kỳ đại hội, các bác lãnh đạo thường nhắc nhở rằng mỗi vận động viên là một sứ giả góp phần lan toả hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bản thân tôi hiểu rõ điều này, luôn tự nhủ trách nhiệm của mình không chỉ gói gọn ở việc thi đấu và mang về thành tích.

Tôi là một người quảng giao, hướng ngoại. Ở các giải đấu quốc tế, tôi thường làm quen, giao lưu với các vận động viên nước khác, vừa có thêm nhiều bạn mới, vừa được học hỏi và hiểu hơn về văn hoá, phong tục của các nước bạn.

Trong mỗi câu chuyện của mình, tôi thường kể cho các bạn quốc tế nghe về đất nước Việt Nam, đặc biệt là văn hoá ẩm thực nước mình và không quên gửi lời mời các bạn sang Việt Nam du lịch, tôi sẵn sàng trở thành một “hướng dẫn viên du lịch” thực thụ (cười). Tôi nghĩ, mỗi hành động dù chỉ nhỏ nhất cũng góp phần mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Các giải đấu thể thao đã chứng kiến hình ảnh phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ hơn. Mỗi người khi giành thành tích cao đều đã và đang được xã hội ghi nhận. Với Trâm, điều đó có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn?

- Tôi cảm thấy vui khi bạn dùng từ ghi nhận trong câu hỏi. Nhiều người nói rằng, con gái đến với thể thao phải hy sinh nhiều điều. Bản thân tôi đâu đó trong quá khứ cũng cảm thấy thiệt thòi, nếu so với những bạn gái cùng trang lứa. Vậy nên, sự ghi nhận đến từ gia đình, bạn bè, xã hội là nguồn động lực để chúng tôi cố gắng.

Mỗi khi đạt được thành tích, với tôi, giá trị lớn nhất không hẳn là tiền thưởng hay huy chương, mà đó là niềm hạnh phúc khi được những người thân ghi nhận, đánh giá cao và ủng hộ. Tôi vui khi gia đình đồng hành cùng tôi từng bước đi trong sự nghiệp của bản thân. Tôi hãnh diện khi bạn bè tôn trọng với những đóng góp của bản thân cho thể thao nước nhà. Và tôi cũng cảm thấy tự hào, hồ hởi, khi một người xa lạ nhận ra và dành sự mến mộ cho thành công mà mình đã cống hiến.

Không chỉ với bản thân tôi. Bất cứ vận động viên nào, đặc biệt là nữ giới đều khát khao hướng đến điều đó. Suy cho cùng, thành công của chúng tôi là những ghi nhận đến từ những người xung quanh mình. Đó là giá trị vô hình nhưng tạo động lực to lớn để nữ vận động viên chúng tôi cố gắng hơn chính mình ngày hôm qua.

Hình ảnh những nữ võ sĩ karate trên sàn đấu mạnh mẽ, kiên cường là thế. Còn hình ảnh cô gái Ngọc Trâm 21 tuổi ngoài đời thì ra sao?

- Khi thi đấu, tôi luôn nghiêm túc, điềm tĩnh và tập trung tối đa. Nhưng khi rời sàn đấu, tôi lại rất vui vẻ, thích nói chuyện với mọi người và hay cười. Tôi không muốn bản thân bị ảnh hưởng bởi những trạng thái tâm lý tiêu cực.

Còn về gu thời trang, tôi khác hoàn toàn so với 2 người chị cùng Đội tuyển karate Việt Nam. Nếu chị Phương và chị Uyên rất nữ tính, nhẹ nhàng thì tôi lại mạnh mẽ hơn đôi chút. Tôi cũng thích ăn mặc và theo đuổi phong cách này. Thậm chí, mọi người hay gọi tôi là “tomboy”.

Nhiều người bảo rằng vận động viên thể thao trải qua sương gió sẽ trưởng thành và già dặn hơn so với các đồng niên, nhưng tôi vẫn còn một chút trẻ con và đôi lúc suy nghĩ cũng vô tư lắm. Tôi vẫn muốn đi dạo Hồ Tây, nghe nhạc, xem phim kinh dị... Có một điều tôi cũng giống như nhiều bạn nữ khác, đó là thích chăm sóc bản thân. Buổi tối, trước khi ngủ tôi sẽ giãn cơ, skin-care (chăm sóc da mặt) hay có một số hôm cũng đắp mặt nạ để thư giãn.

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, bản thân Trâm mong muốn được ghi nhận hay chúc điều gì nhất?

- Vào ngày này, tôi chỉ mong nhận được lời chúc từ người thân, bạn bè của mình, những lời chúc sức khoẻ, thành công và luôn ủng hộ tôi trên con đường sự nghiệp hiện tại. Điều đó cũng đủ làm tôi vui. À, cứ mỗi một năm trôi qua, mỗi một ngày 20.10 trôi qua, chỉ cần thấy mẹ vẫn vui vẻ, khoẻ mạnh, vẫn còn la mắng hay dặn dò những lúc tôi đi tập và thi đấu xa nhà là tôi yên lòng.

Phía trước Ngọc Trâm còn những mục tiêu gì mà bạn muốn chinh phục?

Nội dung tôi đang theo tập là đồng đội, không phải là cá nhân. ASIAD là đấu trường có quy mô lớn nhất dành cho bộ môn karate rồi. Nhưng đây chưa phải đích đến cuối cùng của tôi. Tôi hy vọng bản thân sẽ được trải nghiệm nhiều hơn nữa. Nếu có cơ hội, tôi muốn được thử sức ở nội dung cá nhân.

Hiện tại, tôi cũng đang theo học tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Tôi muốn trở thành một vận động viên không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn là một người tri thức và hiểu biết.

Cảm ơn Ngọc Trâm về cuộc trò chuyện này!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn