MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi cầu thủ Việt Nam chỉ là học sinh mới ra trường

Lê Vinh LDO | 08/01/2024 09:49

Truyền thông Nhật Bản mới đây có bài viết về Công Phượng ở Yokohama FC và ví cách đối xử của đội với anh như “tân binh mới ra trường cấp ba”.

Trang tin Targma viết: “Anh ấy có năng lực tốt nhưng không có nhiều cơ hội thể hiện”. Không rõ họ đánh giá năng lực của Công Phượng cao đến đâu, nhưng khi cựu tiền đạo của Hoàng Anh Gia Lai là một trong những nhân tố hàng đầu của bóng đá Việt Nam, hình ảnh đó có thể là sự đại diện cho vấn đề của cầu thủ Việt Nam.

Thực tế là ngoài Công Phượng - trong lần thứ tư xuất ngoại, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến thất bại của những Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu, Quang Hải khi tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Sự mạnh dạn, khả năng hòa nhập chính là vấn đề. Targma nhấn mạnh, Công Phượng “chưa thành thạo tiếng Anh, lại nhút nhát, giống nhiều cầu thủ Việt Nam khác”.

Cũng có thể họ tìm cách “bênh” Công Phượng, nhưng với bóng đá Việt Nam, đó là sự thật phải chấp nhận. Trình độ - cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm sống trong các vấn đề xã hội, của cầu thủ Việt Nam khó có thể đáp ứng ở những môi trường bóng đá đỉnh cao, kể cả khi nhìn nhận rằng cũng có sự phát triển trong những năm qua. Một vấn đề khác, sự thua kém về thể hình cũng là lý do dẫn đến sự tự ti. Như thống kê tại Asian Cup 2023 sắp tới, Đội tuyển Việt Nam có chiều cao trung bình thấp nhất giải - khoảng 1m75. Nếu nói vẫn có những cầu thủ trên thế giới còn thấp hơn, nhưng bù lại, kỹ năng và sự nỗ lực của họ là vượt bậc.

Với cầu thủ Việt Nam, đôi khi kỹ năng là không đủ để bù lại cho sự tự tin khi đối đầu các đối thủ có thể hình tốt hơn. Lúc đó lại cần đến bản lĩnh, nhưng không phải ai cũng làm được.

Cứ coi như hình ảnh “học sinh mới ra trường” là một lời chê trách, bóng đá Việt Nam sẽ phải vận động nhiều hơn để thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn