MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khổ ông trọng tài

LÊ VINH LDO | 09/11/2021 10:30
Xem bóng đá, đương nhiên mối quan tâm là màn trình diễn của cầu thủ, huấn luyện viên hoặc những chuyện gì đó bên lề. Chẳng mấy ai để ý đến ông mặc áo khác màu mà cũng chạy khắp sân suốt thời gian trận đấu. Nhưng những gì ông ấy làm lại là thứ được quan tâm mỗi khi có tiếng còi vang lên.

“Ông trọng tài”, người ta vẫn nói vậy, phần nào đó giảm đi giá trị lâu nay của người cầm cân nảy mực, của cái nghề được ví như “Vua áo đen”. Xem bóng đá bây giờ, người ta xem cả trọng tài nữa, bởi họ có thể trở thành một lý do, một cơ sở, để nhắc đến nếu đội bóng của bạn thất bại.

Vì sao ư? Vì từ quan điểm, góc nhìn của mỗi người, hành động, quyết định của trọng tài sẽ được đưa ra phân tích và rồi trở thành luồng dư luận. Đó có thể là những lời khen, nếu xử lý tốt và kết quả hợp lý. Nhưng sẽ là thảm họa, là cơn ác mộng với bất kỳ trọng tài nào bị đẩy vào “ký ức xấu” trong suy nghĩ của các cổ động viên.

Vậy nên, giờ đây, không chỉ lịch trình của 2 đội bóng nữa mà cả tất cả những gì liên quan đến đội ngũ trọng tài được chỉ định điều khiển trận đấu cũng nhanh chóng đặt dưới kính hiển vi của truyền thông, của người hâm mộ. Quá khứ điều khiển trận đấu, tỉ lệ rút thẻ vàng, thẻ đỏ, thành tích của đội bóng khi có trọng tài đó bắt chính… tất cả đều được công khai.

Đó có thể là một cách để tạo mối quan tâm của dư luận, nhưng đôi khi nó cũng là điểm khởi đầu cho sự định hướng của dư luận về trọng tài. Nó có thể khiến trận đấu bắt đầu bằng suy nghĩ rằng “chắc chắn sẽ có sự thiên vị đối thủ”, hoặc mở ra một cuộc “tấn công” vào trang cá nhân khiến họ phải tạm khóa như đã rất nhiều lần được chứng kiến.

Việc thông tin đến bạn đọc một cách chính xác là điều cần thiết, nhưng nên hết sức thận trọng khi kèm theo các dữ liệu hoặc những bình luận liên quan. Nó dễ bị lầm tưởng đó là quan điểm của chính tờ báo và được chấp nhận bởi cấp cao hơn.

Với những diễn biến liên quan, việc cân nhắc sử dụng ngôn từ càng phải thận trọng. Tỉ dụ như việc AFC thay trọng tài điều khiển phòng VAR ở trận đấu của tuyển Việt Nam với tuyển Nhật Bản vào ngày 11.11 tới bị coi là “có biến” làm cho người hâm mộ nghĩ rằng, trọng tài phải có “vấn đề” thì mới phải thay. AFC thay người không nói lý do, nhưng truyền thông có biết đâu có thể trọng tài có rắc rối gì đó về sức khỏe hoặc chuyện gia đình?

Hay thậm chí gọi ông trọng tài là “hung thần” với một đội bóng nào đó không chỉ gợi lên sự xúc phạm mà còn dễ dàng gây vào suy nghĩ người đọc hình ảnh không đẹp về người này.

Truyền thông góp phần chỉ trích những hành động cổ động viên quá khích trên không gian mạng, nhưng chắc quên mất chính mình có khi lại là điểm khơi mào cho nỗi khổ của những ông trọng tài…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn