MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người hâm mộ mong muốn đội tuyển và huấn luyện viên Park Hang-seo tự đứng dậy từ thất bại, thay đổi vì hành trình phía trước. Ảnh: AFP

Không ai quay lưng cả, nhưng có những điều cần thay đổi

TAM NGUYÊN LDO | 28/12/2021 11:04
Người hâm mộ chân chính sẽ không quay lưng, nhưng cũng muốn thấy sự thay đổi tích cực ở Đội tuyển Việt Nam. 

Không ai quay lưng với đội tuyển và thầy Park

Cách đây 2 năm, huấn luyện viên Park Hang-seo nói rằng, sau khi mang lại vinh quang cho bóng đá Việt Nam, rồi đến một ngày nào đó thất bại, điều đáng sợ nhất là người hâm mộ quay lưng với ông, với đội tuyển. AFF Cup 2020 là một thất bại…

Với tư cách là nhà đương kim vô địch, không giành vé vào chơi trận chung kết để có cơ hội bảo vệ danh hiệu khiến cho thất bại bị đánh giá là nặng nề hơn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, đội tuyển Việt Nam đã không thể hiện được những gì tốt nhất trên hành trình của giải đấu.

Dấu hiệu cho những khó khăn, trở ngại đã xuất hiện ngay từ đầu, nên giới chuyên môn sớm tỏ ra nghi ngại cho khả năng thành công trong việc bảo vệ ngôi vô địch. Thậm chí còn có sự khẳng định rằng, thất bại chỉ là vấn đề thời gian…

Và đội tuyển đã dừng chân ở bán kết, sau một trận thua (0-2) và một trận hòa (0-0) trước đội tuyển Thái Lan. Nhưng sẽ không có người hâm mộ chân chính nào quay lưng lại với Park Hang-seo và đội tuyển Việt Nam cả. Vẫn luôn là tình yêu, là niềm tự hào của quốc gia. Là sự yêu mến với “vị khách ngoại quốc” đã dồn hết tâm huyết cho bóng đá 

Nhưng vẫn phải nhìn lại…

Dành cho nhau nhiều lời vỗ về, an ủi khi thất bại là điều cần thiết. Nhưng không phải vì thế mà bỏ qua câu chuyện của thất bại. Có quan điểm cho rằng, “thất bại thì cũng thất bại rồi, phân tích cũng chẳng để làm gì mà còn dễ bị hiểu là tìm cách soi mói, chỉ trích”. Vậy nhưng, hãy nhớ rằng, không phải vô cớ mà người ta cũng nói, “kẻ thất bại luôn là kẻ phải cố gắng nhiều hơn”. Nhìn lại mình, lắng nghe những đánh giá, phân tích từ góc độ khách quan, tiếp nhận và sửa đổi, đó là điều mà ngay cả những nhà vô địch cũng cần phải làm chứ không riêng gì đội thất bại.

Nhưng điều mà “mẹ thành công” mang đến cho kẻ thất bại lại được đánh giá là giá trị hơn, bởi từ cú ngã đó mới thấy được toàn cảnh của vấn đề, việc “kiểm tra” được hướng đến nhiều ngóc ngách hơn, chi tiết hơn.

Nguyên nhân dẫn tới thất bại, phải khẳng định, là không ít khi phân tích dưới nhiều góc nhìn. Từ bối cảnh chung là những khó khăn, trở ngại vì dịch COVID-19 cho đến việc tập trung cùng nhau trong thời gian dài, liên tiếp qua các sự kiện, hay chuyện đội hình thiếu vắng nhiều trụ cột vì chấn thương, vì thầy Park không thực sự tin tưởng và trao cơ hội cho các nhân tố dự bị, vì áp lực thành tích, vì không xây dựng nhiều phương án chiến thuật để thích ứng với từng thời điểm, và cả chuyện phản ứng với diễn biến trận đấu…

… để hướng đến tương lai

Nhìn vào đội hình xuất phát của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020, với việc chỉ có duy nhất Tấn Trường trên 30 tuổi cho thấy, họ vẫn sẽ là hạt nhân trong khá nhiều năm nữa. Cùng với sự trở lại của dàn sao đang chấn thương như Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng - một nhân tố khác ngoài 30 nhưng rất quan trọng, tuyển Việt Nam sẽ mạnh mẽ trở lại.

Nhưng tương lai - cả gần và xa, cần phải có cách làm mới từ huấn luyện viên Park Hang-seo và ban huấn luyện. Khi huấn luyện viên người Hàn Quốc “chưa thấy nhân tố nào khả dĩ của lớp kế cận là đội U.23 đủ khả năng đưa lên tuyển”, thì việc tận dụng tối đa những gì có trong tay là cách tốt nhất. Không thể có chuyện chỉ tập chay là sẵn sàng ra sân thi đấu bất kỳ lúc nào và đáp ứng yêu cầu tối thiểu.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam và người hâm mộ có đứng ngoài cuộc không? Không! Tất cả cùng phải thay đổi, cách nhìn nhận, cách đánh giá, cách hành động và cả cách ứng xử, tiếp nhận khi thất bại…

Tất nhiên, áp lực chiến thắng, áp lực thành tích là rất lớn, nhưng thay vì dồn cả lên HLV Park Hang-seo và đội tuyển, nên là sự sẻ chia, xây dựng, bắt đầu từ sự văn minh trong văn hóa ứng xử…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn