MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
U.19 Hà Nội ghi bàn trong chiến thắng 1-0 trước U.19 Phú Yên ở VCK U.19 Quốc gia 2019 - trận đấu có biểu hiện tiêu cực từ U.19 Phú Yên. Ảnh: HT

Không còn cảnh tỉnh, đây là báo động đỏ

ĐĂNG VĂN LDO | 11/03/2020 15:14

Bóng ma tiêu cực tiếp tục ám ảnh bóng đá Việt Nam khi mới đây VFF ban hành quyết định kỷ luật liên quan đến 2 đội U.19 Bình Định và U.19 Đắk Lắk tại vòng loại giải U.19 2020.

Từ báo cáo của giám sát trận đấu, giám sát trọng tài và trọng tài lẫn ban tổ chức, cùng với băng hình kỹ thuật về các bàn thua bất thường, Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác định trận U.19 Bình Định thua U.19 Đắk Lắk 2-6 hôm 5.3 có biểu hiện nhường điểm, tiêu cực  nên quyết định hủy bỏ kết quả trận này, đồng thời ra án phạt các cá nhân có liên quan.

Dung dưỡng nên tiêu cực hoành hành

Giải U.19 quốc gia tiêu cực, không phải đến năm nay mới diễn ra và chỉ diễn ra ở vòng loại tại những khu vực “vùng sâu, vùng xa”. Tại vòng loại giải đấu năm 2019, một số cầu thủ, đội bóng có biểu hiện thi đấu thiếu tích cực, nghi ngờ có sự tham gia dàn xếp tỉ số không chỉ của cầu thủ mà còn có lãnh đội lẫn huấn luyện viên, VFF ý thức rõ do có cảnh báo nhưng chưa có đủ cơ sở để xử lý. Đến vòng chung kết, trận U.19 Hà Nội thắng 1-0 U.19 Phú Yên hôm 9.3.2019 thì “giọt nước tràn ly” do biểu hiện quá lộ liễu. Phút 82, U.19 Hà Nội ghi bàn sau một pha bóng sai lầm mà cả hậu vệ lẫn thủ môn U.19 Phú Yên chơi bóng như muốn tạo điều kiện cho đối thủ ghi bàn. Và sau bàn thua, U.19 Phú Yên không dồn lên tấn công mà chỉ giữ bóng quẩn quanh ở phần sân nhà, bảo vệ tỉ số thua.

“Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một đội bóng chỉ thua 1 bàn, trận đấu còn hơn 10 phút lại không dâng cao quá nửa sân”, huấn luyện U.19 Hà Nội khi đó là ông Vũ Hồng Việt cho biết. Và sau trận đấu bất thường, VFF chỉ ban hành thông báo số 8 với nội dung chính là đề nghị lãnh đạo, ban huấn luyện các đội “tăng cường nhận thức và giáo dục cầu thủ trẻ về thái độ và tinh thần thi đấu”. Bởi không đủ sức răn đe, không dám mạnh tay nên tiêu cực tiếp tục tái diễn, ngay tại vòng loại giải U.19 năm nay và rồi một án phạt rúng động được đưa ra.

“Năm ngoái, VFF đã chuyển hồ sơ, thông tin sang cảnh sát hình sự để điều tra nghi vấn tiêu cực tại giải U.19 nhưng cuối cùng không có kết luận nào được đưa ra, khiến chúng tôi không biết cách nào để xử lý...”. Ông Trần Quang Tuyến - Thành viên Ban tổ chức giải U.19 quốc gia 2020 chia sẻ với Báo Lao Động. Khi được hỏi liệu có phải việc không xử lý dứt điểm nghi án tiêu cực năm 2019 cũng như nhiều năm “nhắm mắt làm ngơ” trước những biểu hiện tiêu cực dẫn đến việc tái diễn ở vòng loại giải U.19 năm 2020, ông Lê Hoài Anh - Tổng Thư ký VFF, Trưởng ban Tổ chức giải U.19 quốc gia 2019 và 2020 đã từ chối đưa ra câu trả lời.

Việc xử lý mạnh tay các cá nhân, tập thể U.19 Bình Định, U.19 Đắk Lắk xuất phát từ yêu cầu của đơn vị phối hợp với VFF tổ chức giải U.19 quốc gia 2020 là báo Thanh Niên. Ông Quang Tuyến nhấn mạnh, án phạt với một loạt cầu thủ, huấn luyện viên mới đây rất thuyết phục, khi ban tổ chức có băng tư liệu rất đầy đủ cho thấy các cầu thủ đã “thi đấu không đúng khả năng mà không có lý do chính đáng”.

Đừng “giết” bóng đá trẻ

Việc cầu thủ U.19 Bình Định và U.19 Đắk Lắk thi đấu với biểu hiện tiêu cực rất đáng lo, khi đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang trải qua một giai đoạn rất thành công, từ U.22, U.23 cho đến tuyển Việt Nam cũng như bóng đá nữ trong năm 2018, 2019. Bởi dù bóng đá đang tốt, các cầu thủ trẻ có những tấm gương tốt để học hỏi, noi theo khi bằng tài năng, thi đấu trong sạch, gặt hái thành công có thể kiếm về những khoản thu nhập cao, có vinh quang nghề nghiệp và một vị thế đáng mơ ước trong xã hội... Thế nhưng ở cấp độ U.19 với những cầu thủ chuẩn bị hết độ tuổi đào tạo để lên chuyên nghiệp, thậm chí có cả cầu thủ khoác áo U.23 Việt Nam, tiêu cực vẫn xuất hiện thì quá nguy hiểm.

Những thành tích lịch sử thời gian gần đây rất dễ khiến bóng đá Việt Nam và cả những người có trách nhiệm cũng “ngủ quên trên chiến thắng”. Điều đáng sợ hơn, dù biết và ý thức vấn đề, người ta không dám làm gì vì sợ “ném chuột, vỡ bình” và sẵn sàng bỏ qua vì thói quen né trách nhiệm. Ví dụ như vụ U.19, nếu ban tổ chức thuộc báo Thanh Niên không cương quyết làm tới cùng, gây sức ép để xử lý thì chưa chắc vụ việc đã được xử lý và án phạt đã được đưa ra. 

Ông Nguyễn Công Khế, người khai sinh ra giải U.21 quốc gia từng nhiều lần nhấn mạnh: “Không xử lý mạnh tay tiêu cực là sẽ giết chết bóng đá trẻ”. Thế nên sau một án phạt, với tính chất rất nghiêm trọng dù ít được chú ý bởi công luận do ở một giải trẻ, bóng đá Việt Nam đã có một hồi chuông báo động.

Án phạt dành cho 2 đội U.19 Bình Định và U.19 Đắk Lắk:

- Huấn luyện viên Cao Văn Dũng (U.19 Bình Định) bị đình chỉ 2 trận và phạt 5 triệu đồng do “thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo đội bóng của mình thi đấu”.

- Cầu thủ Đào Gia Bảo bị treo giò hết giải do “thi đấu không đúng khả năng của mình mà không có lý do chính đáng”, 3 cầu thủ khác của U.19 Bình Định bị treo giò 4 trận và phạt 5 triệu đồng với lý do tương tự là Đinh Trường Đệ, Trần Văn Thái và Nguyễn Thế Thịnh.

- Thủ môn Y Êli NiÊ của U.19 Đắk Lắk bị treo giò 2 trận và phạt 5 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn