MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không “trịch thượng” bước vào AFF Cup

LÊ VINH LDO | 18/11/2021 06:41
Có người nói, kỳ AFF Cup sắp tới là lúc đội tuyển VN ở tình thế “giận cá, chém thớt”. Nghĩa là mang sự giận dữ từ những thất bại ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực Châu Á để trút lên các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á. Đó là suy nghĩ không phù hợp, bởi mang theo sự hằn học vào thể thao đôi khi gây hại cho chính mình.

Ở Đông Nam Á, tuyển Việt Nam là một trong số những “đội bóng lớn” và trên thực tế, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đang là đương kim vô địch sau chiến quả giành được cách đây 3 năm. Nhiệm vụ dĩ nhiên là bảo vệ chức vô địch, nhưng có vẻ như đang có một màu ảm đạm nhất định trong nhiều góc nhìn.

Có quan điểm cho rằng, những thất bại liên tiếp của đội tuyển Việt Nam trong 3 tháng trở lại đây sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý. Có nhận định về vấn đề nhân sự của đội tuyển đang bị bó hẹp các lựa chọn. Rồi cũng có đánh giá về chiến thuật của huấn luyện viên người Hàn Quốc không linh hoạt…

Tất cả đều không sai, nhưng để kết luận về việc đội tuyển Việt Nam sẽ không thành công tại AFF Cup có phải quá sớm? Nói cách khác là quá bi quan? Chưa kể nó có thể tạo nền tảng cho các thành viên trong đội phải “bằng mọi cách” khẳng định sự nghi ngờ là vô lý.

Thực ra, nghi ngờ và đặt vấn đề là của người ngoài, còn với đội tuyển, việc cần làm là thể hiện những gì đã “tiến bộ” - như thầy Park nói.

Cần nhớ rằng, 3 tháng vừa qua dù chỉ là thất bại nhưng tuyển Việt Nam lại là đội duy nhất thi đấu ở các trận đấu chính thức, trước toàn đối thủ mạnh, chứ không phải đá giao hữu như Indonesia, Malaysia, hay Thái Lan thậm chí không đá trận nào kể từ tháng 6.

Những bài học, đã và đang được rút ra. Cũng có thể có cầu thủ chưa nhận ra mình được gì từ các trận đấu vừa qua, cho đến khi rơi vào một tình huống tương tự trong tương lai. Việc không còn mắc sai sót nữa hoặc giải quyết tốt hơn, đó chính là kinh nghiệm.

Nhưng xin nhắc lại rằng, những điều học được không phải dùng để bước vào AFF Cup với thái độ trịch thượng, kẻ cả. Cần phải chuyển đổi thành sự tập trung, tôn trọng đối thủ - kể cả đội yếu hơn, thể hiện phong cách chuyên nghiệp. Cứ nhớ lại cách các cầu thủ Nhật Bản, Saudi Arabia chơi ở Mỹ Đình để hiểu rằng, bóng đá ngày nay không còn dễ dàng như trước đây.

Xác định sai cách tiếp cận trận đấu, nhất là mang theo sự hằn học hay muốn “thể hiện” - điều rất dễ xảy ra sau khi rời giải đấu cấp cao để trở lại với cấp độ bằng hoặc thấp hơn một chút so với thực lực, có nguy cơ trả giá đắt. Ban huấn luyện cần có động thái sớm để đảm bảo các cầu thủ tập trung ngay từ giai đoạn tập trung cho đến khi bước vào giải. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn