MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không xem World Cup có sao không?

LÊ VINH LDO | 30/07/2022 09:00
Vấn đề bản quyền truyền hình World Cup 2022 đang là chủ đề nóng tại Việt Nam…

15 triệu USD, quy đổi ra tiền Việt khoảng 350 tỉ đồng, là con số xuất hiện với tần suất lớn trên truyền thông những ngày qua để nói về tiền bản quyền truyền hình Cúp thế giới tại Qatar vào cuối năm nay. Kèm theo đó là những cảm thán vốn rất quen thuộc - “choáng váng”, “hốt hoảng”, “sốc”, và rồi cuối cùng là gắn cho “người hâm mộ Việt Nam lo âu vì không được xem World Cup”.

Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước hiện tại, đúng là 350 tỉ đồng là một con số lớn, có thể giải quyết được nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, ở những lát cắt riêng, bóng đá là món ăn tinh thần quan trọng để giải tỏa áp lực cuộc sống với nhiều người. Nhiều thôi, không phải tất cả!

Người Việt Nam hâm mộ, thích và yêu bóng đá cuồng nhiệt, nhưng thực sự thì có “lo âu” vì không được xem World Cup? Hay chính truyền thông đang “khóc hộ” các đơn vị đang muốn sở hữu bản quyền nhưng cần có “sự trợ giúp”? Không khó để thấy, rất nhiều bình luận của “người dân” để lại trên mạng xã hội, trên các kênh truyền thông, về việc “không cần mua bản quyền cũng được”, chứ không phải kêu ca là vì sao đắt thế!?

Không những vậy, trong khi các nhà đài Việt Nam còn cân đo, đong đếm thì một vài quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Campuchia, được cho là đã có bản quyền World Cup. Nói đến đây lại thấy buồn thay cho người hâm mộ Việt Nam, bởi hẳn là rất nhiều gia đình, trong đó đã và đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.

Thống kê tính đến giữa tháng 7 này, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam chạm đến 16,9 triệu thuê bao (khoảng 38 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này), với doanh thu khoảng 4.500 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Theo dự kiến, doanh thu cả năm sẽ vào khoảng 9.300 tỉ  đồng (cả năm 2021 là 9.200 tỉ đồng). Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng internet sau nửa năm 2022 là… 350 tỉ đồng, với dự kiến cả năm là 700 tỉ đồng.

Đặt con số 15 triệu USD vào tổng doanh thu đó thì lại thành… bé bé. Tất nhiên, bên trong những con số đó là chi phí khổng lồ khác, nhưng cũng nên đặt lại vấn đề xem các đài có “đặc sản” gì cho dịch vụ trả tiền của mình, cạnh tranh dẫn đến khuyến mại, giảm giá, để rồi người dân vẫn chỉ được xem những chương trình tương tự nhau, mà hầu hết là kênh nước ngoài?

Kể cả có bản quyền World Cup cũng vậy, lo không có quảng cáo nhưng không nghĩ ra được những chương trình đặc sắc ngoài những kịch bản đã cũ thì “dân không xem World Cup cũng chả vấn đề gì”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn